| Hotline: 0983.970.780

Ở thượng nguồn dòng sông Thạch Hãn anh hùng

Thứ Hai 17/10/2022 , 10:19 (GMT+7)

Từ phía Đông dải Trường Sơn hùng vĩ, rào Quán hợp lưu với sông Đakrông tại bản Cu Pô tạo thành sông Ba Lòng - thượng nguồn sông Thạch Hãn một thời hoa lửa.

Empty

Trong số những người tham gia vận tải trên sông Ba Lòng, mệ Phan Thị Cảnh ở thôn Đá Nổi là số ít người còn sống. Ảnh: Văn Dũng.

Mạch nguồn từ vùng Chiến khu cách mạng

Từ phía Đông dải Trường Sơn hùng vĩ, rào Quán hợp lưu với sông Đakrông tại bản Cu Pô tạo thành sông Thạch Hãn đầy máu và hoa trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhưng ở vùng thượng nguồn, đoạn sông đi qua huyện Đakrông, cư dân địa phương vẫn quen gọi là sông Ba Lòng. Đây cũng là tên của Chiến khu Ba Lòng, địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc trong những ngày kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Trong tổng số chiều dài gần 160 km của sông Thạch Hãn, đoạn sông Ba Lòng chỉ vỏn vẹn khoảng 25 km, chảy qua xã Đakrông, thị trấn Krông Klang, Mò Ó, Triệu Nguyên và Ba Lòng của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đến vực Mệ (giáp ranh với huyện Hải Lăng), vẫn dòng sông ấy nhưng được gọi là sông Thạch Hãn.

Theo ông Võ Xuân Quý, một cư dân thôn Tân Xá, xã Ba Lòng, có nhiều cách lý giải về tên gọi của sông Ba Lòng.

Lâu nay, người dân vẫn quen với cách giải thích, rằng đây là dòng sông chảy giữa khu vực của 3 lòng thung lũng phù sa màu mỡ. Cũng có người cho rằng, cư dân bản địa vùng này là người dân tộc Bru Vân Kiều. Họ có mặt từ đây từ những buổi sơ khai và đã lấy nước dòng sông để nấu rượu. Rượu trong tiếng Bru Vân Kiều có nghĩa là ba lơng. Người đời sau vì thế đặt cho tên dòng sông, đọc chệch đi là Ba Lòng. Lại có người lý giải, dòng sông này được hợp thành từ 3 lòng khe: Khe Bùm, khe Su và khe Dâu…

“Nhưng dù có lý giải theo cách nào đi nữa, sông Ba Lòng vẫn là thượng nguồn sông Thạch Hãn. Thực ra, sông Ba Lòng chính là sông Thạch Hãn", ông Võ Xuân Quý tự hào.

Empty

Sông Ba Lòng theo tiếng gọi của người dân địa phương có chiều dài khoảng 25 km, từ bản Cu Pô đến Vực Mệ, là thượng nguồn sông Thạch Hãn. Ảnh: Văn Dũng.

Là vùng đất sông núi hiểm trở, cheo leo, dễ tiến công và phòng thủ, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ba Lòng trở thành chiến chu Cách mạng. Đây cũng là nơi thành lập Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân) và Quân đoàn 2 bộ đội chủ lực của ta.

Nhiều cuốn dư địa chí, lịch sử Đảng bộ các xã trong Chiến khu Ba Lòng cho rằng khu vực này vốn không có người bản địa sinh sống. Đầu thế kỷ XX, một nhóm người Bru Vân Kiều di dân từ vùng Hướng Hóa xuống; dân vạn chài từ các huyện Triệu Phong, Hải Lăng dong thuyền ngược sông Thạch Hãn đánh cá.

Họ dừng lại ở vùng đất phù sa phì nhiêu này để sản xuất nông nghiệp rồi sinh cơ, lập nghiệp. Càng ngày, hai bên bờ sông Ba Lòng thêm nhộn nhịp. Người sống trên sông nước làm nghề đánh bắt cá ngày càng ít, đa phần đã đã xây nhà, lập ấp và ổn định cuộc sống trên bộ.

Nhưng ở vùng chiến Ba Lòng những ngày kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gần như không có đường bộ, mọi hoạt động đều phải dựa vào đường thủy. Bộ đội và lương thảo của quân ta muốn Nam hay ra Bắc đều phải xuôi ngược trên sông Ba Lòng. Cán bộ chiến sỹ của ta dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở để tiến thủ. Trên dòng sông này, biết bao người đã vượt qua mưa bom, bão đạn, chèo thuyền chở bộ đội qua sông, vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực phục vụ kháng chiến.

Empty

Sông Ba Lòng mùa này cạn nước. Ảnh: Văn Dũng.

Chiến khu Ba Lòng đã ôm ấp, chở che cán bộ, bộ đội ta đến ngày cả nước giành chiến thắng, non sông thu về một mối.

Sông Ba Lòng ngày ấy, bây giờ

Trong số những người tham gia vận tải trên sông Ba Lòng, mệ Phan Thị Cảnh ở thôn Đá Nổi là số ít người còn sống. Năm nay đã gần 98 tuổi, đầu óc mệ lúc nhớ lúc không. Nhưng hễ nhắc đến chuyện chèo thuyền trên sông Ba Lòng, chở bộ đội ta, đôi mắt mệ rực sáng, bao ký ức về cuộc chiến cứ thế ùa về.

Empty

Chiến khu Ba Lòng, nơi ghi nhiều dấu tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chông Mỹ của dân tộc ta. Ảnh: Văn Dũng.

Mệ cùng gia đình từ huyện Triệu Phong ngược sông Thạch Hãn lên vùng đất Ba Lòng lập nghiệp từ hồi kháng chiến chống Pháp. Đi qua cả hai cuộc chiến tranh trên vùng đất này, mệ là nhân chứng sống cho lòng yêu nước, căm ghét thù quân xâm lược của người dân Chiến khu Ba Lòng. Thế hệ của mệ, ở chiến khu này, dù có mưa rơi, đạn dội, nhân dân Ba Lòng vẫn một lòng bảo vệ quê hương, đất nước.

“Mệ lên đây từ hồi còn con cấy (con gái - PV), chèo thuyền đưa bộ đội qua sông từ lúc 16-17 tuổi. Chồng là bộ đội quê tận ngoài Bắc. Lấy chồng, sinh con, mệ vẫn tiếp tục vận tải lương thực, đưa bộ đội qua sông vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Nhiều lần bị máy bay dội bom, bị địch phục kích nhưng mệ và nhiều người lái đò trên sông Ba Lòng vẫn nghiến răng chịu đựng. Mình một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, theo Bác Hồ nên không ngại gian khổ hi sinh”, mệ Cảnh nhớ về những ngày hiểm nguy.

Cũng theo ký ức của mệ Cảnh, ngày ấy dòng sông dữ dằn lắm nên công việc đưa đò vừa nguy hiểm vừa gian truân. Lòng sông hẹp, nước sông không lớn nhưng lại nhiều ghềnh thác nguy hiểm. Vì vậy, những chuyến đò xuôi ngược vùng Đá Nổi - bến Trấm càng thêm gay go. Vùng Đá Nổi, vùng thác Mệ, bến Trấm trên dòng sông này đã chứng kiến nhiều đau thương của quân và dân ta.

Là thế hệ thứ tư sống ở vùng chiến khu Ba Lòng, ông Võ Xuân Quý cũng từng đi qua những năm tháng hào hùng của dân tộc trên đoạn sông này. Sau chiến tranh đến trước những năm 80 của thế kỷ trước, trong ký ức của ông Quý, đây là một dòng sông hung dữ với nhiều địa danh đã in đậm vào ký ức người dân. Nhiều thi sĩ đã đến vùng đất này và sáng tác những vần thơ còn truyền tụng mãi.

Empty

Dòng sông Ba Lòng nay hiền hòa nhưng tôm cá ngày càng khan hiếm, hến là một đặc sản trên dòng sông lịch sử này. Ảnh: Văn Dũng.

Cũng như nhiều người dân Chiến khu Ba Lòng, ông Quý nhớ như in bài thơ “Cô lái đò” của cố nhà thơ Lương An:

Đò em lên xuống Ba Lòng

Chở người cán bộ qua vùng chiến khu...

... Ai về bến Trấm thì lên

Về cho sớm sớm, mưa đêm khó chèo.

Những câu thơ ấy đã phần nào lột tả được những khó khăn, gian khổ của những người lái đò trên sông Ba Lòng trong những ngày kháng chiến. Những địa danh bến Trấm, Đá Nổi, vực Mệ, thác Lo, thác Cấu,… đã ăn sâu vào ký ức của những con người thuộc thế hệ “Chiến khu Ba Lòng”.

Ông Quý dừng lại, nhìn vào xa xăm rồi nói tiếp: “Thuở ấy, dòng sông hung dữ nhưng cá trên dòng sông này nhiều vô kể. Ngồi trên thuyền, soi đuốc là có thể vợt được cá. Ngày ấy, có nhiều cách để đánh bắt cá và cách nào cũng thu được vô số các loại cá đặc sản ở đây như chình sông, mát, sao, bọp… Sau năm 1980, khi công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn được xây dựng, nước sông dâng cao hơn, hiền hòa hơn nhưng cá tôm cũng theo đó không còn nhiều như trước. Ở đây, nay chỉ còn con hến là còn nhiều, là đặc sản ở vùng Chiến khu Ba Lòng”.

Một chiếc thuyền xuôi dòng đưa chúng tôi từ thôn Đá Nổi xuống vực Mệ. Sông Ba Lòng mùa này cạn nước, những doi cát nổi lên, vài ba chiếc thuyền nhỏ cắm sào cào hến trên sông. Bãi bồi hai bên sông mùa này cũng thảnh thơi chờ đón những cơn lũ mang phù sa về. Đàn trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ, đi về phía bờ sông uống nước. Nghe tiếng thuyền máy lại gần, đàn cò trắng xóa từ hai bên bờ sông bay lên tao tác. Thi thoảng lại có những đàn trâu đằm mình dưới nước, lũ cò quẩn quanh tìm kiếm thức ăn.

Empty

Khung cảnh bình yên bên dòng sông Ba Lòng. Ảnh: Văn Dũng.

Vực Mệ chỉ còn một tảng đá nhô lên khỏi mặt nước. Người lái đò cho biết, sông Ba Lòng đoạn này tạo thành thế thắt cổ chai, hai bên là vách núi. Khi chưa có đại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, vực Mệ là một đoạn ghềnh thác rất hung dữ. Người không vững tay chèo, khi đi đến vực Mệ dễ bị dòng xoáy cuốn chìm.

“Cuộc sống ở khúc sông này bình yên, thảnh thơi. Người dân ở đây có thói quen cho đất nghỉ sau vụ ngô, đậu để chờ đón phù sa. Con người Chiến khu Ba Lòng thì vẫn thế, vẫn kiên trung với lời thề yêu nước”, ông Mai Văn Cường, ngư dân trên sông Ba Lòng vừa ghé sát con thuyền vào bến Đá Nổi kết thúc câu chuyện và chia tay chúng tôi.

Rời Ba Lòng, người viết lại nghe văng vẳng đâu đó những câu thơ trong bài “Đò xuôi Thạch Hãn” của nhà thơ Lê Bá Dương. Những câu thơ đã đi vào tiềm thức và để lại sự nuối tiếc không nguôi của các thế hệ người dân Việt Nam đối với những anh hùng hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

Sông Thạch Hãn - dòng sông Hoa Đỏ

Sông Thạch Hãn còn được gọi là dòng sông Hoa Đỏ, có chiều dài gần 160 km, là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Xuất phát từ phía Đông dải Trường Sơn hùng vĩ, đến vùng hạ nguồn, sông Thạch Hãn nối với sông Bến Hải qua sông Cánh Hòm, nối với sông Ô Lâu qua sông Vĩnh Định rồi đổ ra Biển Đông qua thị trấn Cửa Việt. Trong kháng chiến chống Mỹ, trên dòng sông này diễn ra những cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Nhiều người đã để lại tuổi đôi mươi trên dòng sông này.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.