| Hotline: 0983.970.780

Vị lãnh đạo bật mí cách trồng rừng đạt 500 triệu/ha

Thứ Sáu 23/08/2024 , 07:43 (GMT+7)

Bắc Kạn Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết, nếu áp dụng triệt để quy trình trồng rừng gỗ lớn, 1ha cây mỡ có thể đạt 500 triệu đồng, cao gấp nhiều lần hiện nay.

Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, với hơn 73%. Những năm qua, rừng có đóng góp quan trọng đối với kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả từ trồng, khai thác và chế biến gỗ tại Bắc Kạn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu trồng 17.500ha rừng trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, bình quân 3.500ha/năm. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã trồng rừng được gần 19.800ha, đạt 113 kế hoạch. Hiện tỉnh Bắc Kạn có khoảng 100.000ha rừng trồng. Trong cơ cấu rừng trồng của tỉnh hiện nay, cây mỡ có khoảng 49.000ha, cây keo khoảng 37.000ha, cây thông khoảng 8.600 ha, cây quế 4.100ha, hồi có 3.300ha. 

Theo tính toán, trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng rừng truyền thống khai thác chu kỳ ngắn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Theo tính toán, trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng rừng truyền thống khai thác chu kỳ ngắn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Khảo sát sơ bộ của Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho thấy, cây keo với chu kỳ kinh doanh từ 5 đến 7 năm, bình quân thu được khoảng từ 80 - 100 triệu/ha. Cây mỡ với chu kỳ trồng từ 10 đến 12 năm, bình quân thu được từ 100 đến 120 triệu/ha. Cây quế với chu kỳ kinh doanh từ 10 đến 15 năm, bình quân thu được khoảng 180 đến 250 triệu/ha. Cây hồi trồng từ 10 đến 15 năm thu được từ 200 đến 250 triệu/ha. Cây thông trồng từ 15 đến 20 năm, khi khai thác đạt từ 160 đến 220 triệu/ha.

Theo ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, hiện nay người dân trồng, khai thác rừng theo chu kỳ ngắn nên đường kính cây nhỏ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Ông Huân cho rằng, muốn nâng cao giá trị rừng trồng cần thực hiện trồng rừng theo chứng chỉ FSC, trồng rừng gỗ lớn. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 20.000ha rừng đạt tiêu chuẩn FSC, đến thời điểm này đạt khoảng 8.000ha.

"Bên cạnh đó phải thực hiện trồng rừng gỗ lớn, chỉ có trồng cây gỗ lớn mới nâng cao được giá trị kinh tế. Ví dụ cây mỡ trồng bình thường mật độ khoảng 2.500 cây/ha, nếu như không áp dụng cải tạo theo mô hình gỗ lớn, không tỉa thưa, không tạo tán thì chu kỳ 15 năm đường kính không lớn. Theo tính toán, cây mỡ đường kính từ 10 đến 20cm chỉ có giá 1,6 triệu đồng/m3; đường kính từ 20 đến 30cm giá 2,5 triệu/m3; đường kính 30 đến 40cm bán được khoảng 3,2 triệu đồng/m3; đường kính từ 50cm trở lên hơn 4 triệu/m3", ông Huân thông tin. 

Trồng rừng đạt chứng chỉ FSC, trồng rừng gỗ lớn và chế biến sâu sản phẩm từ gỗ là những giải pháp nâng cao giá trị rừng trồng tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trồng rừng đạt chứng chỉ FSC, trồng rừng gỗ lớn và chế biến sâu sản phẩm từ gỗ là những giải pháp nâng cao giá trị rừng trồng tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Sỹ Huân cho biết, khi trồng cây mỡ người dân phải thực hiện tỉa thưa. Từ khi trồng đến năm thứ 5 tỉa thưa lần 1 để mật độ khoảng 1.000 cây/ha, đến năm thứ 7 tỉa thưa lần 2 chỉ để lại 600 cây/ha, lần tỉa thưa cuối cùng để khoảng 400 cây/ha. Nếu áp dụng triệt để quy trình trồng rừng gỗ lớn này thì đến khi khai thác hiệu quả kinh tế sẽ rất cao, tổng doanh thu đạt khoảng 500 triệu/ha. Đối với cây keo mà thực hiện theo phương pháp này sẽ đạt gần 300 triệu/ha, chu kỳ 12 năm.

“Ngoài ra, áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn, người dân có thu nhập thường xuyên, giảm được chi phí nhân công, không mất thêm tiền mua giống, phân bón để trồng lại so với các trồng truyền thống hiện nay”, ông Huân cho biết thêm.  

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện Dự án KfW8, quy mô 3.400ha, tham gia dự án, người dân được tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tỉa thưa, bước đầu cho kết quả khả quan. 

Áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn sẽ giúp người trồng rừng tăng thu nhập. Ảnh: Ngọc Tú. 

Áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn sẽ giúp người trồng rừng tăng thu nhập. Ảnh: Ngọc Tú. 

Một trong những nguyên nhân nữa khiến hiệu quả trồng rừng tại Bắc Kạn chưa cao là do chưa có nhiều nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn, chế biến sâu sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 243 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Trong đó có 36 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, còn lại là 207 cơ sở gia đình, cá nhân.

Nhìn chung các cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đáp ứng được việc thu mua, chế biến gỗ rừng trồng của người dân. Tuy nhiên số lượng cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn còn ít, chủ yếu là hoạt động tự phát, hộ gia đình có quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu sơ chế như ván bóc, ván dán, gỗ thanh, đũa

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.