| Hotline: 0983.970.780

Vi phạm nồng độ cồn: Không để cản trở hoạt động bình thường của xã hội

Thứ Tư 22/05/2024 , 17:14 (GMT+7)

Chiều 22/5, vấn đề vi phạm nồng độ cồn được tranh luận sôi nổi ở Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ngưỡng 0 mg/l đề xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ngưỡng 0 mg/l đề xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chiều 22/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó nổi bật là vấn đề vi phạm nồng độ cồn.

Liên quan vấn đề này, đa số đại biểu nhất trí với dự thảo Luật, tuy nhiên một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ví dụ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) bày tỏ đồng tình với việc nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông do không điều khiển được hành vi bia, rượu gây ra.

Nhưng trong thực tế, đại biểu chỉ rõ về thực trạng nhiều nguời sử dụng rượu bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở, thậm chí ăn một số loại trái cây có khả năng lên men thì trong hơi thở cũng có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng, Luật cần điều chỉnh để không cản trở các hoạt động bình thường của xã hội, từ văn hóa ứng xử đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thì cho rằng, thời gian qua nhiều người dân bức xúc vì Nghị định 100 phạt rất nặng, uống ít cũng bị tịch thu bằng lái.

"Vì vậy, để người dân đồng thuận phần lớn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, Luật sau khi thông qua thì cần sửa đổi Nghị định 100 và phân hóa nếu uống bia, rượu ở mức thấp thì chỉ cần xử phạt hành chính để nhắc nhở mà không thu bằng lái, qua đó sẽ giải quyết được bất cập hiện nay", ông Cảnh nói.

Cũng có ý kiến cho rằng cần thay đổi nồng độ vi phạm đối với người điều khiển xe gắn máy, không nên là 0 như hiện nay. Cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định đồng tình với quan điểm đã lái xe, không uống rượu bia, tuy nhiên, theo đại biểu trên thế giới chỉ có 23 quốc gia (trong đó có Việt Nam) quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 khi tham gia giao thông, phần lớn các quốc gia cấm nồng độ cồn là quốc gia hồi giáo.

Hơn nữa, 90% tai nạn giao thông xảy ra do ý thức, nhận thức của con người. Cũng theo đại biểu Hòa, tại Việt Nam, thu nhập của nhiều người dân Việt Nam không đủ điều kiện để thuê xe dịch vụ, đây cũng là ý kiến của nhiều cử tri gửi gắm đại biểu Quốc hội tại các buổi tiếp xúc cử tri.

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên cho phép ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người đi xe gắn máy.

Tương tự như vậy, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) nói đại trên thế giới có rất ít quốc gia thực hiện cấm tuyệt đối. Nếu tiến hành cấm tuyệt đối, vẫn chưa có đánh giá tác động đến phong tục, tập quán, truyền thống Việt Nam, vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc chọn phương án nào phù hợp, nếu cần thiết xây dựng 2 phương án để đại biểu Quốc hội lựa chọn.

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến ủng hộ cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn tham gia giao thông. Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

"Nếu quy định có ngưỡng nhất định thì người dân khó xác định uống bao nhiêu, nhất là khi uống vào khó làm chủ bản thân và bị vượt ngưỡng. Hơn nữa quy định này đã dần đi vào cuộc sống, nhiều người dân đã từng bước hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe", nữ đại biểu phân tích và bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo Luật.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.