| Hotline: 0983.970.780

Vì sao dân kịch liệt phản đối dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp?

Thứ Tư 09/01/2019 , 13:15 (GMT+7)

Người dân thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) kịch liệt phản đối dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp trên cánh Đồng Lạng. Thế nhưng, chính quyền các cấp vẫn chủ trương giao đất khiến người dân bức xúc.

Nghe tin PV Báo NNVN về tìm hiểu thông tin, thời điểm cuối buổi sáng tháng 12/2018, dù trời nắng gay gắt nhưng người dân thôn Hiệp Khởi đổ cả ra vùng đồng Lạng, “tố” chính quyền địa phương thiếu dân chủ trong việc triển khai dự án.

23-33-49_nguoi_dn_thon_hiep_khoi_phn_doi_du_n_trng_tri_tong_hop_tren_cnh_dong_lng
Người dân thôn Hiệp Khởi phản đối xây dựng trang trại tổng hợp

Ông Nguyễn Phi Sàng, cựu trưởng thôn đã 80 tuổi cho biết, dự án được triển khai trên diện tích đất công ích 5% của xã. Tuy nhiên, đây là đất người dân đã có công khai hoang, phục hóa gắn bó từ rất lâu đời nên vẫn có nguyện vọng được thuê để SX nông nghiệp. Sau đợt chuyển đổi ruộng đất gần đây, một số đất khai hoang của vùng đồng Lạng được đưa vào diện đất 5% và vẫn tiếp tục giao cho một số hộ thiếu đất SX.

“Toàn bộ đất 5% này, năm 1993 được UBND xã Đông Tiến giao cho các hộ dân. Đối tượng giao là các hộ dân thiếu đất SX có con cái sinh sau thời điểm giao đất theo Nghị định 64 CP hoặc các tổ chức, đoàn thể để gây dựng quỹ. Dù là xã nằm sát thị trấn Rừng Thông nhưng người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Nên đối với họ, ruộng đồng gắn liền với miếng cơm manh áo thường ngày”, ông Sàng cho biết.

Theo người dân Hiệp Khởi, vùng đồng Lạng, nơi được giao cho ông Nguyễn Bá Khương (thôn Kim Sơn, xã Đông Tiến) triển khai dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp là vùng đất khó SX, không ít hộ đã phải bỏ hoang. Lý do việc lấy nước ở vùng đất này từ 10 năm nay hết sức khó khăn, chứ thực sự người dân ở đây rất yêu ruộng đồng.

Nhiều hộ dân sau khi yêu cầu UBND xã giảm tiền nộp sản không được đồng ý đã phải chấp nhận làm đơn trả đất. Nhiều hộ vẫn bám lấy trồng lúa nhưng cũng có mùa làm được, mùa không do thiếu nước. Những hộ trả đất cũng vạn bất đắc dĩ và bị đẩy vào tình thế hết sức khó khăn.

Căn cứ theo các văn bản của UBND huyện Đông Sơn thì dự án của ông Nguyễn Bá Khương với 13.026 m2. Chủ trương này được được UBND huyện Đông Sơn đồng ý vào ngày 18/6/2018. Cùng ngày, UBND huyện ra Quyết định số 1001/UBND-TNMT về việc chấp thuận chủ trương địa điểm dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp và Quyết định số 1470/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Thế nhưng, đến ngày 8/7/2018, cuộc họp thôn Hiệp Khởi thông báo, lấy ý kiến nhân dân để triển khai chủ trương mới được tổ chức, có sự hiện diện của ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến (nay là Trưởng phòng NN- PTNT huyện Đông Sơn). Tại đây, nhân dân thôn Hiệp Khởi đề nghị cấp trên không triển khai dự án vì nơi này đã có 1 trang trại xây dựng năm 2017, sau đó đã gây ra rất nhiều khó khăn cho việc lấy nước SX của người dân.

23-33-49_don_kien_nghi_cu_nguoi_dn_thon_hiep_khoi
Đơn kiến nghị của người dân thôn Hiệp Khởi

Hiện tại, người dân thôn Hiệp Khởi đang thiếu đất SX, nếu một trang trại mới được xây dựng, không những diện tích đất SX bị thu hẹp mà việc lấy nước vào diện tích canh tác còn lại sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc họp Mặt trận thôn mở rộng sau đó ít ngày, người dân thôn Hiệp Khởi cũng đề nghị không triển khai dự án. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau cuộc họp, việc đóng cọc, giao đất vẫn được thực hiện.

Ông Trần Văn Trung, một trong những hộ thầu khoán đất ở vùng đồng Lạng cho biết: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu nhưng chỉ được hơn 2 sào (500m2/sào) ruộng theo Nghị định 64 CP. Vì vậy, tôi xin thầu thêm 400 m2 tại đồng Lạng. Tại vùng này tôi còn có 330 m2 đất 64. Nếu bị thu hồi cả đất 64 thì gia đình tôi chỉ còn khoảng 1,5 sào ruộng, đến cơm cũng chẳng đủ ăn. Điều đáng nói, dù bị kịch liệt phản đối nhưng xã vẫn giao đất cho ông Khương. Hôm ông Khương đưa máy vào múc ruộng, người dân ra đồng ngăn cản nên họ không thể làm được”.

23-33-49_ubnd_x_dong_tien_d_dong_coc_gio_dt
UBND xã Đông Tiến đã đóng cọc mốc ranh giới để giao đất

Theo người dân thôn Hiệp Khởi, một điểm nữa thể hiện sự thiếu dân chủ là, nếu vẫn quyết tâm thực hiện dự án tại sao lại không ưu tiên người trong thôn mà giao cho một chủ đầu tư khác ở thôn Kim Sơn?

“UBND xã Đông Tiến, UBND huyện Đông Sơn chưa ra Quyết định thu hồi đất, nhiều hộ chưa trả đất nhưng lại vội vàng giao đất cho ông Khương xây dựng trang trại. Điều này liệu có điều gì uẩn khúc? Có phải ông Nguyễn Hữu Sáng (lúc đó còn là chủ tịch UBND xã Đông Tiến) muốn giao được đất càng nhanh càng tốt trước khi quay về huyện công tác?”, ông Nguyễn Phi Sàng bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến thì diện tích đất công ích UBND huyện giao cho ông Khương thực hiện dự án chưa có quyết định thu hồi vì một số hộ chưa trả. Bên cạnh đó, một số hộ có diện tích đất cơ bản (đất chia theo Nghị định 64 CP) đan xen, nếu ông Khương muốn triển khai dự án thì phải thỏa thuận mua lại đất đó.

“Theo các văn bản thì UBND huyện Đông Sơn cho ông Khương thuê đất 50 năm để xây dựng trang trại. Vùng này, một số hộ có ruộng công ích, một số hộ có ruộng cơ bản chưa trả, UBND huyện chưa có quyết định thu hồi nên chúng tôi chưa giao cho ông Khương được. Hôm đó, ông Khương vào là để đóng mốc ranh giới phân biệt đất công ích và đất cơ bản, người dân hiểu nhầm là giao đất nên mới ngăn cản. Còn việc vì sao không ưu tiên người dân Hiệp Khởi, thực tế chúng tôi đã có thông báo trên loa truyền thanh của xã nhưng không ai đăng ký ngoài ông Khương”, ông Sơn cho biết.

23-33-49_nhung_cnh_dong_kho_kht_khong_the_sn_xut
Những cánh đồng khô khát không thể sản xuất

Theo người dân thôn Hiệp Khởi, vì phản ứng việc xây dựng trang trại tại vùng đồng Lạng mà bà Trần Thị Tuyết, trưởng thôn Hiệp Khởi là đã viết đơn xin nghỉ “chức” trưởng thôn(?).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến lại khẳng định, bà Tuyết xin nghỉ là để đi chữa bệnh ở miền Nam chứ không phải vì phản ứng lại quyết định giao đất thực hiện dự án của UBND huyện Đông Sơn (?).

Ông Thanh cũng cho biết thêm: “Hiện nay, do người dân thôn Hiệp Khởi đang phản ứng nên UBND huyện Đông Sơn đang có chủ trương tạm dừng giao đất thực hiện dự án”.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm