Các chuyên gia hy vọng, khi việc sử dụng máy thu hoạch mía liên hợp ở Thái Lan tăng lên, sẽ tạo đà lan tỏa cho các nước sản xuất khác ở Đông Nam Á giống như đã thành công trong ngành lúa gạo. Trong những năm gần đây Thái Lan là nhà cung cấp các loại máy móc thu hoạch hàng đầu cho Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Theo dữ liệu của Trade Map, Thái Lan dù là quốc gia sản xuất đường lớn thế giới nhưng mới chỉ có khoảng 30% sản lượng mía được thu hoạch bằng máy, và tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Để thấy rõ mức độ so sánh, khoảng 95% diện tích sản xuất mía của Brazik đã được cơ giới hóa.
Giới chuyên gia đã chỉ ra những tồn tại trong cấu trúc nội tại gây cản trở việc sử dụng các loại máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ cao khác trong ngành mía đường ASEAN như sau.
Thứ nhất, sản xuất mía đường ở Đông Nam Á bị chi phối bởi các trang trại quy mô nhỏ. Ví dụ, ở Philippines có tới gần 80% các nhà sản xuất sở hữu các trang trại với có diện tích dưới 5 ha- điều này làm giảm khả năng tài chính trong việc mua hoặc thuê các loại máy móc hiện đại.
Thứ hai, rất nhiều diện tích mía sản xuất ở Đông Nam Á, đặc biệt là của các nông hộ nhỏ được trồng trên những địa hình không bằng phẳng và gây khó khăn cho máy thu hoạch liên hợp hoạt động.
Dự báo trong vòng 5 năm tới, mặc dù tỷ lệ cơ giới hóa tại ASEAN sẽ được nâng lên, thu hẹp khoảng cách so với Brazil và Trung Quốc, tuy nhiên những thách thức nêu trên sẽ vẫn tồn tại, bất chấp nỗ lực của chính phủ và ngành mía đường khu vực. Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế chậm chạp sau đại dịch Covid-19 cũng sẽ là cản trở khác đè nặng lên các nỗ lực cơ giới hóa trong ngắn hạn và trung hạn.
Thái Lan được đánh giá là thị trường có nhiều cơ hội nhất để cơ giới hóa thu hoạch mía, với sản lượng đường tăng trưởng ước đạt mức 6,5 triệu tấn trong giai đoạn 2020 - 2021 và 2024 và 2025. Đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025, các chuyên gia dự báo Thái Lan sẽ vươn lên trở thành nhà sản xuất mía đường lớn thứ ba thế giới, sau Brazil và Ấn Độ.
Cơ sở để đưa ra nhận định trên dựa vào kết quả của những nỗ lực khắc phục hạn hán, cải thiện bộ giống và năng suất mía cùng với đẩy mạnh tiếp cận thị trường xuất khẩu. Ngoài ra việc bãi bỏ quy định trợ giá mía đường hồi năm 2018 và triển vọng tốt cho ngành mía đường Thái Lan sẽ chính là “áp lực chìa khóa”, có thể khuyến khích đầu tư, cũng như hỗ trợ vấn đề cơ giới hóa.
Hiện chính phủ Thái Lan đang cố gắng ngăn chặn tình trạng đốt mía như một phương pháp thu hoạch mía (80% mía trong nước vẫn được thu hoạch bằng cách đốt), từ đó khuyến khích sử dụng các loại máy móc hiện đại. Các nghiên cứu cho thấy, đốt mía vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường, vừa làm giảm trọng lượng của cây mía nguyên liệu.
Để ngăn chặn vấn nạn đốt mía, chính phủ đã thiết lập hạn ngạch đối với lượng mía sau thu hoạch đưa đến các nhà máy chế biến phải là mía tươi. Tuy nhiên do tình trạng thiếu nhân công lao động thời vụ do vấn đề di cư từ các vùng nông thôn đến thành phố diễn ra quá nhanh nhiều năm qua, khiến cho chính sách này chưa đạt được mục tiêu.
Hiện các bên liên quan trong ngành mía đường đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ nông dân mua hoặc thuê máy móc để tránh tình trạng đốt mía. Một số doanh nghiệp thậm chí còn hỗ trợ các nhà sản xuất mía đường trong việc tiếp cận máy thu hoạch liên hợp, đồng thời tạo sức lan tỏa sang các nước láng giềng trong khu vực.
Theo thống kê, hiện các nhà sản xuất mía đường lớn nhất thế giới thường sử dụng các loại máy thu hoạch mía liên hợp của các hãng John Deere, Cameo và Case IH. Trong khi đó các nhà sản xuất mía đường trong khu vực ASEAN vẫn thường sử dụng các loại máy móc thu hoạch quy mô vừa và nhỏ do Thái Lan chế tạo, bao gồm Thai Roong Ruang, Samart Kaset-Yon Partnership và Pradit & Friends Machinery.