| Hotline: 0983.970.780

Vì sao vụ lúa xuân vùng Nghệ Tĩnh cứ phải gieo cấy vào tháng rét nhất

Thứ Tư 04/01/2023 , 08:27 (GMT+7)

Tính toán thời vụ để không những giành thắng lợi cho vụ lúa xuân mà cả vụ hè thu kế tiếp sau đó.

Che phủ ni lông chống rét cho mạ xuân. Ảnh: Việt Hùng.

Che phủ ni lông chống rét cho mạ xuân. Ảnh: Việt Hùng.

Hàng năm, trên nhiều vùng của cả nước, tháng 1 là tháng có nhiệt độ thấp nhất, nhất là khu vực từ Bắc Trung Bộ trở ra, càng đi ra xa càng rét. Từ Đèo Ngang giáp giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, càng đi vào, mức độ giá rét giảm dần. Riêng vùng 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (gọi chung là Nghệ Tĩnh) tháng 1 là tháng giá rét nhất, nhiệt độ không khí trung bình 180C, thấp nhất 160C, có thời điểm nhiệt độ xuống từ 13 – 150C, kèm theo mưa phùn, trời âm u kéo dài, ánh sáng ít. Lẽ ra không nên gieo cấy lúa xuân vào lúc này để tránh rét đậm, rét hại làm chết lúa. Vậy vì sao vụ lúa xuân vùng Nghệ Tĩnh lại cứ phải gieo cấy và tháng rét nhất?

Rét vẫn gieo cấy

Bởi từ ngành nông nghiệp đến bà con nông dân Nghệ Tĩnh họ tính toán lợi hại đôi đường, chọn cái lợi, khắc phục và né tránh cái hại; trong đó có cả tính toán, không những giành thắng lợi cho vụ lúa xuân mà cả vụ hè thu kế tiếp sau đó. Vì vậy phải kiên quyết thực hiện 3 cái tránh:

Tránh thứ nhất không để mạ xuân chết vì rét. Mạ xuân ở vùng Nghệ Tĩnh năm nào cũng tập trung gieo từ ngày 10 đến 20 tháng 1 và năm nay cũng vậy. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân hạn chế gieo sạ để phòng lúa chết rét. Tháng 1 ở vùng Nghệ Tĩnh, nhiệt độ trung bình 180C, cao nhất 200C, thấp nhất 160C. Nhưng cũng có những năm, tháng 1 ở vùng này nhiệt độ không khí xuống 13 – 150C kéo dài nhiều ngày, trời âm u, mưa phùn nhiều, ánh sáng thiếu. Nhưng mạ xuân hầu như không bị chết rét do sau khi gieo được bà con phủ kín nilon và cho nước vào ngập mặt luống mạ.

Tránh thứ hai, không để lúa trổ sớm vào tiết thanh minh (thanh minh năm 2023 vào ngày 5 tháng 4). Tiết thanh minh thường xuất hiện gió mùa đông bắc muộn tràn về, nhiệt độ không khí những ngày tiết này xuống thấp từ 18 – 200C, gió mạnh cấp 5, 6. Lúa trổ sớm gặp thời tiết như thế này, chắc chắn hạt phấn chết làm cả hạt lúa và cả bông lúa bầm đen, bà con nông dân gọi hiện tượng này là lúa bị bầm ruồi, lép lửng 100%.

Tránh thứ ba, không để lúa trổ muộn sau tiết lập mạ (tiết lập hạ năm nay vào ngày 6 tháng 5). Tiết lập hạ ở vùng Nghệ Tĩnh là thời điểm nắng nóng, gió Tây nam (gọi là gió Lào) thổi mạnh, nhiệt độ không khí trung bình hàng năm ở tháng này là 280C, cao nhất 320C, thấp nhất 260C. Những năm gần đây, nhiệt độ không khí sau tiết lập hạ có lúc lên 38 – 400C, kèm theo nắng nóng, ẩm độ không khí chỉ ở mức dưới 50%. Lúa xuân trổ vào thời tiết nói trên giảm cả năng suất và giảm cả chất lượng. Nhưng, việc lúa xuân trổ chậm sau tiết lập hạ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ gieo cấy vụ lúa hè thu ở vùng Nghệ Tĩnh. Tại vùng Nghệ Tĩnh thời vụ gieo cấy lúa hè thu không những phải là giống ngắn ngày mà còn phải gieo cấy xong trước ngày 20 tháng 6 hàng năm để thu hoạch cơ bản xong trước ngày 10 tháng 9. Có làm được như vậy thì mới tránh né được mùa mưa lụt bão thịnh hành ở vùng Nghệ Tĩnh từ sau ngày 10 tháng 9 trở đi, nếu không tránh né được thì khả năng mất mùa vụ lúa hè thu khó tránh khỏi.

Ngoài biện pháp che phủ nilon, nông dân còn sử dụng tro bếp để chống rét cho mạ vụ xuân. Ảnh: Khuyến nông Hà Tĩnh.

Ngoài biện pháp che phủ nilon, nông dân còn sử dụng tro bếp để chống rét cho mạ vụ xuân. Ảnh: Khuyến nông Hà Tĩnh.

Giải pháp tốt nhất

Việc chống lại sự bất lợi của thiên tai, thời tiết, không thể và chưa có biện pháp nào thực hiện thật sự có hiệu quả, mà chỉ có phòng chống bằng cách tránh né, luồn lách bằng những giải pháp kỹ thuật, những kinh nghiệm rút ra từ thực tế sản xuất để áp dụng. Từ đó, ngay trong các vụ lúa xuân ở Nghệ Tĩnh, ngành nông nghiệp cũng như bà con nông dân đã luôn luôn thực hiện tốt những giải pháp như:

Một: ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống huyện, thành, thị bám sát cơ sở sản xuất, chỉ đạo nông dân tuyệt đối không nên gieo cấy lúa xuân trước và sau lịch thời vụ quy định.

Thời vụ gieo cấy vụ lúa xuân ở Nghệ Tĩnh cụ thể như sau: Gieo mạ chủ yếu từ ngày 10 đến 20 tháng 1, cấy khi mạ có 18 – 20 ngày tuổi. Trong đó: trà 1, gồm các giống có thời gian sinh trưởng từ 135 – 140 ngày, gieo mạ từ ngày 5 – 10 tháng 1, cấy từ 25 – 30 tháng 1, trà lúa này chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 5 – 7% tổng diện tích gieo cấy.

Trà 2, gồm các giống có thời gian sinh trưởng từ 130 – 135 ngày, gieo mạ từ ngày 10 – 15 tháng 1, cấy từ ngày 1 – 5/2, trà này chiếm tỉ lệ khoảng 15 – 20%.

Trà 3, gồm các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 125 – 130 ngày, gieo mạ từ 16 – 20 tháng 1, cấy từ ngày 6 – 10 tháng 2, trà này chiếm khoảng 75 – 80%.

Gieo cấy đúng lịch thời vụ nói trên lúa xuân sẽ trổ tập trung vào tiết cốc vũ, từ ngày 25 tháng 4 đến 5 tháng 5. Thời tiết lúc này chưa có nắng quá nóng, nhiệt độ chưa cao quá, gió Tây nam chưa thổi mạnh, nên rất phù hợp cho lúa trổ bông, cho năng suất cao.

Hai: Tập trung gieo cấy các giống lúa vừa có năng suất cao, chất lượng tốt, vừa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng chủ yếu từ 125 – 130 ngày đối với các giống lúa thuần và 130 – 135 ngày đối với các giống lúa lai.

Từ chủ trương và định hướng cơ cấu giống nói trên, vụ lúa xuân những năm gần đây và cả vụ lúa xuân năm nay, bà con nông dân Nghệ Tĩnh chủ yếu gieo cấy các giống lúa như:

Các giống lúa thuần gồm: VNR20, TBR225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168, Vật tư NA6, HD 111... tất cả những giống lúa này gieo cấy ở Nghệ Tĩnh đều có thời gian sinh trưởng từ 125 – 130 ngày, chất lượng cơm gạo khá và phù hợp với mục tiêu tránh được 3 cái tránh nói ở trên.

Ba: Một trong những nỗi lo và đáng sợ nhất của vụ lúa xuân ở Nghệ Tĩnh là bệnh đạo ôn gây lại lúa. Đặc điểm thời tiết trong các tháng 1, 2, 3 ở Nghệ Tĩnh thường là mưa phùn, trời âm u, sương mù nhiều... Vì vậy, hầu như không có vụ lúa xuân nào ở Nghệ An, Hà Tĩnh tránh được bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa, nhất là ở các huyện ven biển: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân... (Hà Tĩnh); Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc... (Nghệ An) và một số huyện miền núi như: Hương Khê, Hương Sơn... (Hà Tĩnh); Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn... (Nghệ An). Bệnh đạo ôn gây hại trên cây lúa trong vụ xuân ở Nghệ Tĩnh hầu như đã trở thành thông lệ khó tránh khỏi. Vì vậy ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã chủ động khuyến cáo bà con nông dân gieo cấy thưa với mật độ từ 36 – 38 khóm/m2 trên đất tốt, 40 – 42 khóm/m2, mỗi khóm chỉ cấy 1 – 2 tẻ (dảnh) và bón phân cân đối đạm, lân, kali. Nên giảm đạm vào các lần bón thúc lúa đẻ nhánh, bón đón đòng, nhất là các chân ruộng sâu sục bùn, đất tốt. Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, phát hiện sớm các loại sâu bệnh nói chung, bệnh đạo ôn nói riêng để phòng trừ gấp khi sâu bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc đặc hiệu được Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị giới thiệu và hướng dẫn cách phòng trừ.

Nguyên trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Nghệ An

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.