Những ngày vừa qua, trên khắp các vùng miền của tỉnh Nghệ An trải qua nhiều ngày rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ không khí phổ biến từ 8 – 10 độ C. Riêng các huyện vùng núi cao nhiệt độ xuống 3 – 5 độ C, đặc biệt ở huyện Kỳ Sơn nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, tuyết phủ trắng xóa trên cành cây, ngọn cỏ.
Để đàn gia súc, gia cầm không bị chết do đói rét gây ra, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị, bằng mọi biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất cung cấp đầy đủ thức ăn và che chắn kín chuồng trại do đàn gia súc, gia cầm vượt qua những ngày giá rét, tuyệt đối không để gia súc, gia cầm chết do đói, rét.
Băng giá phủ kín, trâu bò vẫn bình an
Sở NN-PTNT Nghệ An đã cử nhiều đoàn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật xuống các huyện, thành, thị cùng các địa phương kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn bà con nông dân tìm mọi biện pháp phòng chống đói, rét tốt nhất cho đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện nghiêm túc chủ trương phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông năm nay của UBND tỉnh. Rút kinh nghiệm trong chỉ đạo phòng chống đói rét trước đây, mùa đông năm nay, các địa phương và bà con nông dân Nghệ An đã chủ động có nhiều biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm rất tốt, có hiệu quả.
Tại huyện Kỳ Sơn, nơi nhiều ngày đêm vừa qua nhiệt độ không khí xuống dưới 0 độ C, băng tuyết phủ trắng núi rừng. Mùa đông những năm trước đây, trâu, bò ở Kỳ Sơn chết nhiều. Nhưng những ngày rét hại vừa qua trâu, bò vẫn bình an, do dân bản ở tất cả các xã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND huyện các giải pháp như: Tuyệt đối không thả rông trâu, bò; đưa hết trâu, bò về chuồng trại; các chuồng trại trâu, bò năm nay được bà con dân bản thưng che kín đáo; thức ăn xanh chuẩn bị đầy đủ và đặc biệt những đêm giá rét quá, băng tuyết nhiều, bà con dân bản đã đốt lửa sưởi ấm cho cả đàn gia súc để không còn cảnh trâu, bò chết vì rét như những năm trước đây.
Tại huyện Tương Dương, những ngày qua cái rét không thua kém mấy so với ở huyện Kỳ Sơn, nhiệt độ ban ngày có khi xuống 4 – 5 độ C, ban đêm xấp xỉ 0 độ C. Để trâu bò không bị chết đói, chết rét, bà con dân bản tất cả các xã trong huyện đã đưa hết trâu, bò từ rừng về chuồng trại có mái che chắn, không bị mưa ướt, kín gió. Đặc biệt có nhiều xã như Tam Thái, Tam Đình, Thạch Gián, Nhôn Mai, Yên Thắng... rất nhiều bếp lửa được đốt lên sưởi ấm cho gia súc, có nhiều hộ gia đình ngoài việc mua bạt để che chắn chuồng trại còn sử dụng bạt may thành áo mặc cho trâu bò như ở bản Can, xã Tam Thái khá phổ biến.
Do ý thức được mùa đông năm nay rét đậm, rét hại có khả năng đến sớm, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo bà con nông dân ở các xã chủ động tích trữ nguồn thức ăn xanh nhiều hơn mọi năm và hướng dẫn các xã thường xuyên cho trâu, bò uống nước ấm có pha muối để tăng sức đề kháng cho trâu, bò trong mùa đông giá rét.
Đến huyện Anh Sơn, địa phương có tổng đàn trâu, bò tương đối lớn với gần 28.000 con. Để bảo vệ tốt những “đầu cơ nghiệp”, ngoài việc gia cố kín chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm cho gia súc, bà con nông dân ở các xã trong huyện đã áp dụng khá phổ biến phương pháp ủ chua thức ăn để phòng, chống đói, rét cho trâu, bò.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, toàn xã có 1.300 con trâu, bò và 1.000 con dê. Mùa đông năm nay, UBND xã đã phân công cán bộ chuyên trách về nông nghiệp cùng với cán bộ các phòng, ban, đoàn thể xuống tận từng bản, làng chỉ đạo bà con tuyệt đối không thả rông trâu, bò, dê; che chắn kín chuồng trại; chuẩn bị sẵn củi đốt lửa cho trâu bò sưởi ấm khi xảy ra rét hại; vận động bà con tiến hành ủ chua thức ăn cho trâu bò theo quy trình hướng dẫn của Phòng NN-PTNT.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Anh Sơn, bà con nông dân ở các xã đang có phong trào áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn để phát triển chăn nuôi rất có hiệu quả...
Gia đình chị Nguyễn Thị Toàn ở xã Cẩm Sơn là hộ thường xuyên chăn nuôi từ 8 – 10 con trâu và bò tại chuồng, chị Toàn cho biết: Cả mùa đông, trừ ngày có nắng đến, còn lại nuôi nhốt tại chuồng. Gia đình luôn chủ động có đủ cỏ, rơm rạ, thân lá cây ngô, mía, sắn..., tất cả băm nhỏ, sau đó phơi héo khô rồi ủ chua. Cứ 100kg thân lá các loại nói trên trộn với 5kg cám ngô hoặc cám gạo, 0,5kg muối hạt, 1kg mật rỉ. Thời gian ủ sau 1 tuần là có thể cho trâu, bò ăn được.
Đủ 'chiêu' chống rét cho gia súc, gia cầm
Tại huyện miền núi Nghĩa Đàn, địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với gần 30.000 con trâu, bò; 35.000 con dê; 20.000 con lợn và hơn 120 ngàn con gia cầm. Đợt giá rét kéo dài vừa qua, UBND huyện đã huy động lực lượng cán bộ trong toàn huyện đi xuống tận các thôn, bản, làng, các trang trại chăn nuôi hướng dẫn bà con nông dân và các chủ trang trại thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết, toàn xã có 1200 con trâu, bò, 700 con lợn, gần 20 000 con gà, vịt... Đợt rét đậm, rét hại kéo dài quá nhiều ngày, UBND xã đã cử cán bộ về tận thôn, bản chỉ đạo bà con nông dân che chắn kín chuồng trại, không thả trâu, bò, lợn, gà, vịt ra ngoài trời; cho gia súc, gia cầm ăn no, uống nước ấm, mắc thêm bóng đèn điện công suất lớn hoặc đốt củi lửa quanh các chuồng trại lớn để trâu, bò không bị chết đói, chết rét như các mùa đông trước đây.
Tại huyện Diễn Châu, mức độ rét đậm, rét hại không bằng các huyện vùng núi cao. Nhưng những ngày vừa qua, nhiệt độ không khí vẫn duy trì ban ngày từ 11 – 18 độ C, ban đêm 8 – 10 độ C. Vì vậy bà con nông dân ở đây ngoài việc che chắn kín chuồng trại, còn cho gia súc, gia cầm ăn no, nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà như ở xã Diễn Thái, Diễn Trung, Diễn Phú... đã dùng biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi bằng cách dùng bóng đèn hồng ngoại sưởi ấm, dùng than, khí ga đốt lên.
Một số trang trại chăn nuôi gà dùng hệ thống sưởi ấm bằng công nghệ hơi nước lan tỏa ra cả chuồng trại bằng cách dùng than hoặc củi đốt lên lò hơi làm nóng nước, hơi nước ở nhiệt độ cao được dẫn qua hệ thống ống đi đến các dàn nhiệt có hệ thống quạt hơi nóng vào trong chuồng trại phả ra khí ấm. Riêng việc chống rét ở các trại chăn nuôi lợn được các chủ trang trại sử dụng hệ thống đệm lót sinh học, kèm theo thắp sáng bóng đèn điện hồng ngoại công suất lớn đủ làm ấm cho cả chuồng trại.
Đợt giá rét kéo dài những ngày vừa qua ở Nghệ An được đánh giá là đợt rét hại đậm nhất so với các đợt rét của những mùa đông gần đây và là đợt rét đậm, rét hại nhất kể từ đầu mùa đông năm nay. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh, huyện, thành, thị và sự vào cuộc kịp thời của UBND các xã, phường, cùng với sự hưởng ứng của bà con nông dân nên những ngày rét hại vừa qua hầu như chưa có địa phương nào xẩy ra tình trạng gia súc, gia cầm chết vì đói, rét như những mùa đông trước đây.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm không những cho mùa đông năm nay mà còn cho cả những mùa đông các năm sau này.