| Hotline: 0983.970.780

Làm tốt khâu giống ngành lâm nghiệp Nghệ An sẽ cất cánh

Thứ Hai 26/12/2022 , 06:44 (GMT+7)

Nghệ An có vươn mình thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ và lâm sản khu vực Bắc Trung Bộ hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn giống lâm nghiệp.

Nghệ An sẽ từng bước nâng tầm chất lượng giống cây lâm nghiệp để làm bệ phóng hướng đến mục tiêu sớm trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ và lâm sản của vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: An Nhiên. 

Nghệ An sẽ từng bước nâng tầm chất lượng giống cây lâm nghiệp để làm bệ phóng hướng đến mục tiêu sớm trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ và lâm sản của vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: An Nhiên. 

Chủ trì Hội thảo “Xây dựng các loại hình công nghệ áp dụng quy trình sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thuộc Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ", ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định:

“Công tác giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng, nơi nào quản lý giống tốt thì nơi đó có năng suất và chất lượng rừng trồng cao. Nghệ An đặc biệt xem trọng đến lĩnh vực này”.

Qua khảo sát, trên địa bàn hiện có 25 đơn vị sản xuất kinh doanh giống lâm nghiệp, chủ yếu là các tổ chức quản lý nhà nước thuộc các ban quản lý, công ty lâm nghiệp và một số hộ gia đình, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trồng rừng tập trung theo kế hoạch hàng năm.

Làm tốt công tác giống mới khai thác hết tiềm năng, lợi thế về rừng của Nghệ An. Ảnh: An Nhiên.

Làm tốt công tác giống mới khai thác hết tiềm năng, lợi thế về rừng của Nghệ An. Ảnh: An Nhiên.

Đặc biệt, một số cơ sở đã chủ động ứng dụng công nghệ trong tạo giống, một số tổ chức, cá nhân sản xuất và cung ứng giống được đào tạo chuyên sâu về quy trình, kỹ thuật, qua đó nắm vững và thực hiện tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh theo theo đúng quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Điểm nhấn lớn nhất chính là Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được Thủ tướng thành lập tại Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 với tổng diện tích 618 ha. Trong đó, phân khu Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng CNC tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc có quy mô trên 48 ha hiện đang được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình.

Dù mới mẻ nhưng phân khu này bước đầu đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện qua việc trồng trên 20.000 cây, bao gồm 47 loài cây lâm nghiệp quý hiếm như Bạch xanh, Cẩm lai, Gù hương, Giáng hương… đồng thời trồng thử nghiệm một số loại dược liệu dưới tán như Sâm bố chính, Sa nhân tím, Xạ đen, Kim ngân hoa, Trà hoa vàng…

Phân khu cũng đang trồng 2 ha vườn cây đầu dòng (Tràm trà, Tràm năm gân, Bạch đàn chanh và một số giống Keo); tiếp nhận chuyển giao một số công nghệ hiện đại trong sản xuất giống lâm nghiệp (công nghệ sản xuất cây con trên bầu siêu nhẹ; công nghệ dâm hom trên bầu hữu cơ tự huỷ)…

Nghệ An phải đặt nhiều tâm huyết mới mong nâng tầm chất lượng giống cây lâm nghiệp theo đúng kỳ vọng đặt ra. Ảnh: An Nhiên. 

Nghệ An phải đặt nhiều tâm huyết mới mong nâng tầm chất lượng giống cây lâm nghiệp theo đúng kỳ vọng đặt ra. Ảnh: An Nhiên. 

Ở chiều ngược lại, công tác quản lý, sản xuất và kinh doanh giống lâm nghiệp Nghệ An còn tồn tại khá nhiều nút thắt, đòi hỏi phải sớm tháo gỡ, cụ thể: Công nghệ tạo giống hiện đại (tế bào, di truyền phân tử, gen) chưa được áp dụng nhiều; số lượng các nguồn giống, vườn ươm phần đa chưa được đầu tư, chăm sóc; giống cây trồng lâm nghiệp chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào các loài mọc nhanh, gỗ nhỏ…)

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, để khắc phục đòi hỏi Sở NN-PTNT, các ngành, địa phương, chủ rừng, doanh nghiệp phải bám theo đúng chức năng, nhiệm vụ để thực hiện có hiệu quả 6 giải pháp sau:

Có như thế mới nâng cao được chất lượng rừng trồng. Ảnh: An Nhiên.

Có như thế mới nâng cao được chất lượng rừng trồng. Ảnh: An Nhiên.

Một là, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành đưa vào hoạt động phân khu Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ) theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Hỗ trợ các vườn ươm vệ tinh đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị hiện đại trong sản xuất giống. Đầu tư tuyển chọn, tạo nguồn giống, nhập hạt giống chất lượng cao, tăng cường áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống lâm nghiệp phục vụ kế hoạch trồng rừng hàng năm.

Hai là, tăng cường hơn nữa công tác quản lý sản xuất và kinh doanh giống cây trồng. Đối với các loài cây trồng lâm nghiệp chính cần quản lý chặt chẽ tất cả các khâu theo chuỗi liên kết, đòi hỏi các bên liên quan phải tuân thủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giống lâm nghiệp để tạo đà thuận lơi trong quá trình truy xuất nguồn gốc. Cần công khai các thông tin liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lâm nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Sở NN-PTNT và các cơ quan chuyên môn liên quan.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, tập huấn công tác giống cây trồng lâm nghiệp đến hộ gia đình, cá nhân SXKD giống và những người trồng rừng trên địa bàn về việc sử dụng giống tốt, giống có nguồn gốc rõ ràng. Từng bước tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng và truy xuất nguồn gốc gỗ cung cấp cho thị trường quốc tế, nâng tầm giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ rừng trồng.

Năm là, có chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cán bộ kỹ thuật về lĩnh vực sản xuất giống sinh dưỡng và nuôi cấy mô tế bào; quản lý rừng giống; kiểm nghiệm giống; bảo quản giống và các công tác khác có liên quan đến giống cây lâm nghiệp.

Sáu là, cần tập trung hoàn thành các quy hoạch xây dựng, đảm bảo khung pháp lý thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng lấp đầy Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ nhằm phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, tiến tới xây dựng Nghệ An thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ và lâm sản của khu vực, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh và của quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Từ những ý kiến phát biểu, đánh giá của các nhà khoa học, các đại biểu, đặc biệt là định hướng chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trong thời gian tới, việc xây dựng và sớm đưa Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động, qua đó đảm bảo cung cấp giống cây trồng rừng có năng suất, chất lượng cao cho tỉnh Nghệ An và toàn vùng Bắc Trung Bộ là rất cần thiết và cấp bách.

Thông qua đây sẽ thực hiện chặt chẽ các quy định về nguồn gốc, xuất xứ gỗ hợp pháp, góp phần tạo ra bước tăng trưởng mạnh về trồng rừng, khoanh nuôi rừng và bảo vệ rừng. Vừa bảo tồn được tính đa dạng sinh học lại tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường.

Người làm rừng trên địa bàn Nghệ An sẽ được hưởng lợi lớn khi chủ trương hòa nhịp vào cuộc sống.

Người làm rừng trên địa bàn Nghệ An sẽ được hưởng lợi lớn khi chủ trương hòa nhịp vào cuộc sống.

Để cụ thể hóa mục tiêu đòi hỏi Ban quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ phải chủ trì, khâu nối với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức hoàn thành công tác GPMB và xây dựng các hạng mục công trình để đảm bảo tiến độ đề ra.

Dẫu đường đi phía trước còn lắm ghập ghềnh, chông gai nhưng với sự quan tâm sâu sát của Trung ương, sự nhập cuộc quyết liệt của Nghệ An, kỳ vọng ngành lâm nghiệp toàn khu vực Bắc Trung Bộ sẽ sớm bay cao.  

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất