Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lập các tổ công tác, thường xuyên kiểm tra để triển khai các giải pháp ứng phó không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói và phát sinh dịch bệnh trong mùa khô hạn 2024.
Ninh Thuận khô khát: Không để người dân thiếu nước, thiếu đói, dịch bệnh
Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. UBND tỉnh Ninh Thuận đã lập các tổ công tác, thường xuyên kiểm tra để triển khai các giải pháp ứng phó không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói và phát sinh dịch bệnh trong mùa khô hạn 2024.
Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều ao, hồ, giếng nước trên địa bàn huyện Ninh Hải cạn trơ đáy. Đặc biệt là tại các xã ven biển như Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải vừa bị hạn hán, vừa bị xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến hàng trăm ha cây trồng như nho, táo, hành, tỏi.
Vụ trước, vườn nho của bà Lê Thị Linh cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng, tuy nhiên vụ này không có nước tưới, giếng đào thì bị xâm nhập mặn nên nho đã cháy lá.
Bà Lê Thị Linh, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận:
“Vườn nho nhà tôi do thiếu nước, mà nước tưới bị nhiễm mặn bây giờ đang đi xin nước giếng khoan về trộn lại để giảm độ mặn rồi tưới cho cây nho, nuôi cây để lá sung lại, rồi mới cắt cành cho ra quả lại được.”
Huyện Ninh Hải có 3 hồ thủy lợi lớn nhưng hồ ông Kinh đã cạn trơ đáy từ nhiều tháng nay. Hai hồ còn lại là hồ Nước Ngọt và hồ Thành Sơn thì chỉ còn 30-35% dung tích, đang được ưu tiên giành cho nước sinh hoạt, nước uống cho vật nuôi và cho cây trồng lâu năm.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các địa phương bố trí lịch lại thời vụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm. Bên cạnh đó có giải pháp hỗ trợ các hộ dân tại những vùng phải dừng sản xuất do hạn hán; kiên quyết không để xảy ra tình trạng sản xuất ngoài kế hoạch.
Ông Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận:
“Theo phương án phòng chống hạn, tỉnh sẽ giảm 8.000 ha diện tích lúa, tập trung sản xuất lúa đối với các vùng đảm bảo được nguồn nước tưới và đảm bảo duy trì tới vụ Mùa tiếp theo. Những vùng thiếu nước cơ bản, đủ điều kiện thì chúng tôi cho chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước tưới, cây ngắn ngày để bà con duy trì sản xuất. Đối với những vùng thiếu nước nghiêm trọng thì chúng tôi ưu tiên nước uống sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc gia cầm, rồi đến cây lâu năm, còn lại chúng tôi dừng hẳn sản xuất đối với vùng thiếu nước hiện nay.”
Hiện tại, tổng lượng nước ở 23 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn hơn 151 triệu m3, chiếm khoảng hơn 1/3 dung tích thiết kế; 2 hồ chứa đã cạn khô; 4 hồ có mực nước thấp hơn mực nước chết. Nếu hạn hán kéo dài, tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai phương án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt; không để thiếu đói và không để phát sinh dịch bệnh trong mùa khô hạn năm nay.