| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Thứ Sáu 03/05/2024 , 14:39 (GMT+7)

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Nhiều phương án sản xuất linh hoạt

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh còn khoảng 160 triệu m3/417triệu m3, bằng 38% dung tích thiết kế; lượng nước tại hồ thủy điện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, cung cấp nước cho hạ du tỉnh Ninh Thuận còn khoảng 84 triệu m3/165 triệu m3.

Trước tình hình mực nước các hồ chứa trên địa bàn liên tục giảm, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó trong vụ hè thu. Ảnh: MP.

Trước tình hình mực nước các hồ chứa trên địa bàn liên tục giảm, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó trong vụ hè thu. Ảnh: MP.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, sau khi tính toán nguồn nước ưu tiên phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm, trên cơ sở nguồn nước còn lại tại các hồ chứa, Sở NN-PTNT đã tham mưa UBND tỉnh ban hành kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2024.

Theo đó, kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 của tỉnh Ninh Thuận được xây dựng với 2 phương án. Phương án 1, nếu tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh không mưa, các hồ không có lượng nước đến bổ sung; hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3 thì tỉnh điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa (trừ hồ Tà Ranh, Bầu Zôn, Ông Kinh), toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý với tổng diện tích là 23.460ha, trong đó lúa 13.460ha, hoa màu 10.000ha.

Phương án 2, nếu trong tháng 5/2024 trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đạt trên 50% dung tích thiết kế thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 23 hồ chứa, toàn bộ khu tưới của hệ thống sông Pha, Nha Trinh – Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích trên 29.200ha, trong đó lúa 14.467ha, hoa màu 14.800ha.

Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt. Ảnh: MP.

Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt. Ảnh: MP.

Để đảm bảo diện tích xuống giống không bị thiếu nước, Sở NN-PTNT tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đặc biệt là lượng nước được tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương để chủ động có phương án sản xuất linh hoạt, hiệu quả; tổ chức điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với sản xuất cụ thể từng xứ đồng; ứng phó với việc sản xuất lệch vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vụ hè thu chúng tôi đề ra mục tiêu phát huy lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm đặc thù theo chuỗi giá trị theo hướng sản xuất hữu cơ, công nghệ cao, bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Đặng Kim Cương cho hay.              

Chuyển sang hướng nông nghiệp hữu cơ

Theo ông Đặng Kim Cương, để vụ hè thu giành thắng lợi trong điều kiện nắng hạn kéo dài, Sở NN-PTNT đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động bà con nông dân xuống giống đúng thời vụ, tập trung theo cơ cấu giống và thời vụ đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo.

Đối với giống lúa, Sở NN-PTNT khuyến cáo sử dụng giống lúa cấp xác nhận, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến như “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”; ưu tiên lựa chọn các giống ngắn ngày, giống có chất lượng; quản lý và điều tiết nước tiết kiệm, hiệu quả tùy vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, dự tính dự báo sâu bệnh kịp thời. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng".

Ninh Thuận chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, bền vững để thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ảnh: MP.

Ninh Thuận chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, bền vững để thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ảnh: MP.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau củ, quả có thời gian bảo quản dài, phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương, cung ứng ra ngoài tỉnh, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối. Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ.

Ngoài ra, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để có các biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng đại trà các giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế.

“Tỉnh cũng khuyến khích bà con tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ từ các nguồn chất thải chăn nuôi để giảm bớt phân bón hóa học, giảm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất”, ông Đặng Kim Cương cho hay.

Để tiết kiệm nguồn nước tưới và nâng cao hiệu quả kinh tế, vụ hè thu năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh với diện tích 598ha. Trong đó, chuyển đổi 234ha đất lúa và 364ha đất khác chuyển sang trồng 456ha cây ngắn ngày và 142ha cây dài ngày.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.