4,3 triệu USD phục hồi bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng. Chuột hoành hành ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Trung Quốc lại gom cau tươi, Cục Trồng trọt khuyến cáo không trồng ồ ạt. Giá tiêu lấy lại mốc 60.000 đồng/kg.
4,3 triệu USD phục hồi bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng
Chiều 7/2, tại tỉnh Ninh Bình, Bộ NN-PTNT tổ chức Lễ khởi động trồng rừngtrong khuôn khổ Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4,3 triệu USD, tương đương hơn 93.800 tỷ đồng, được triển khai trong vòng 5 năm từ 2020 - 2024, hướng đến việc trồng mới rừng ngập mặn 250ha; trồng phục hồi/bổ sung rừng ngập mặn 80 ha; Thiết lập vườm ươm cây giống cây rừng ngập mặn tại Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; Hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và phát triển du lịch sinh thái; hỗ trợ phát triển sinh kế; hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ rừng… Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá, Dự án đã góp phần phát huy hiệu quả, vai trò, chức năng của vùng rừng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải, tạo thu nhập cho người dân, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
CHUỘT HOÀNH HÀNH PHÁ LÚA NHIỀU NƠI Ở ĐBSCL
Theo đánh giá của nông dân và ngành bảo vệ thực vật các tỉnh ĐBSCL, tình hình chuột hại đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt, những ruộng lúa giáp ranh các vườn cây ăn trái, ruộng cỏ có tỷ lệ chuột gây hại rất cao. Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh, đến nay, nông dân trong tỉnh đã xuống được trên 60.000ha lúa đông xuân. Chuột gây hại trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện từ các vụ trước và Sở đã có các khuyến cáo để người dân thực hiện phòng trừ. Vụ đông xuân này, có xuất hiện chuột nhưng tỷ lệ lúa bị thiệt hại đã giảm hơn so với vụ trước nhờ bà con áp dụng nhiều biện pháp tiêu diệt đồng loạt và duy trì thường xuyên. Đặc biệt, khuyến cáo không sử dụng điện để tiêu diệt chuột.
TRUNG QUỐC LẠI GOM CAU TƯƠI, CỤC TRỒNG TRỌT KHUYẾN CÁO KHÔNG TRỒNG Ồ ẠT
Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc tăng thu mua quả cau non của Việt Nam khiến loại quả này có giá lên đến 26.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu khan hiếm. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua cau non với giá cao đã diễn ra từ nhiều năm trước ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên. Việc thương lái Trung Quốc tăng mua cau non có thể do nhu cầu tiêu thụ quả này tăng đột biến nhưng rất có thể hiện tượng này thỉ mang tính đột biến và nhất thời chứ không theo quy luật thị trường như các nông sản xuất khẩu khác. Do đó, người dân không nên vì giá cao mà trồng ồ ạt cau theo phong trào.
GIÁ TIÊU LẤY LẠI MỐC 60.000 ĐỒNG/KG
Giá tiêu hôm nay 7/2 tại thị trường nội địa điều chỉnh tăng tại nhiều địa phương trọng điểm. Hiện giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 60.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, Đồng Nai giá tiêu hôm nay cũng điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg lên mức 59.500 đồng/kg. Tính trên bình diện cả nước, giá tiêu hiện dao động từ 57.000 - 60.500 đồng/kg.Trong tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán, thị trường trong nước cho thấy sự khởi sắc khi tình hình thu hoạch tại nhiều quốc gia xuất khẩu tiêu thiếu khả quan.