6.000ha xoài của Đồng Tháp đã được cấp 327 mã số vùng trồng. 100% tàu cá Bạc Liêu đang hoạt động gắn thiết bị giám sát hành trình. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản tăng 41%. Dừa tươi lấy nước giá bán cao gấp nhiều lần trái khô.
6.000HA XOÀI CỦA ĐỒNG THÁP ĐÃ ĐƯỢC CẤP 327 MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Hiện nay, các nhà vườn trồng xoài trong tỉnh Đồng Tháp được cấp 327 mã số vùng trồng xoài với diện tích 6.000 ha, nhiều nhất là ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng xoài của tỉnh đạt hơn 14.000 ha, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng. Các giống xoài chủ lực gồm: xoài cát Chu, Cát Hòa Lộc, tượng da xanh... Tỉnh Đồng Tháp đang kết nối với các doanh nghiệp Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Cánh Cổng Vàng,... thu mua sản phẩm tại các mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Australia, Trung Quốc...
100% TÀU CÁ BẠC LIÊU ĐANG HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC GẮN THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH
Với quyết tâm gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu - EC và thực hiện nghiêm quy định về chống khai thác IUU, 6 tháng đầu năm, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện giám sát gắn thiết bị cho 8 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, nâng tổng số tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình trên 410 tàu cá, đạt 100% tổng số tàu cá đang hoạt động được gắn thiết bị.Với đường bờ biển dài 56km, vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20.700km2, gắn với 3 cửa biển lớn là Gành Hào, Cái Cùng và Chùa Phật. Hiện nay, hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản cũng được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu. Với sản lượng đánh bắt trong nửa đầu năm đạt gần 55.000 tấn.
XUẤT KHẨU MỰC, BẠCH TUỘC SANG NHẬT BẢN TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, tính tới giữa tháng 6, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản đạt 67 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu sản phẩm, bạch tuộc chiếm 52% còn lại là mực. Các sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất gồm bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc chế biến cắt đông lạnh, bạch tuộc chế biến cắt chần đông lạnh, mực ống làm sạch đông lạnh,…..Kể từ đầu năm nay, nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản từ nước ta tăng trưởng khá ổn định, dao động từ 19-67% so với cùng kỳ.Nhật Bản cũng là thị trường nhập mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hàn Quốc, chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
DỪA TƯƠI LẤY NƯỚC GIÁ BÁN CAO GẤP NHIỀU LẦN TRÁI KHÔ
Do xuất khẩu gặp khó khăn nên trái dừa khô ở vùng ĐBSCL và nhiều địa phương khác rớt giá thê thảm; trong khi đó trái dừa tươi hay còn gọi là dừa uống nước lại có mức giá khá cao khiến nhiều nhà vườn đang đổ xô trồng loại dừa này.Theo đó, trái dừa tươi như dừa Xiêm xanh, dừa Malaysia được nhà vườn bán với giá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/chục, khoảng trên 6.000 đồng/quả, cao gấp 3-4 lần so với dừa khô.ĐBSCL có diện tích dừa hơn 140.000 ha, chiếm 78% diện tích dừa cả nước. Chỉ riêng 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang có gần 100.000 ha dừa. Tuy vậy, ngành chức năng vẫn khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi chuyển đổi cây trồng, tìm hiểu kĩ thị trường và đầu ra sản phẩm để tránh tình trạng cung vượt cầu.