Ấp nở nhân tạo giúp bảo tồn nguồn cá sấu xiêm. Dân cơ cực vì đường huyện xuống cấp nghiêm trọng. Hậu Giang tăng hơn 1.000ha lúa thu đông. Bình Dương: Nhiều công trình thủy lợi chưa đáp ứng công năng.
ẤP NỞ NHÂN TẠO GIÚP BẢO TỒN NGUỒN CÁ SẤU XIÊM
(Lê Bình - sản xuất)
Mỗi năm, có hàng trămcá sấu xiêmcon được chào đời tại Công viên Văn hóa Đầm Sen nhờ phương pháp ấp nở nhân tạo. Mất khoảng hơn 70 ngày ấp trứng thì cá sấu xiêm con mới chào đời. Hiện, Công viên Văn hóa Đầm Sen đang nuôi khoảng 1000 cá thể cá sấu xiêm nhằm bảo tồn và phục vụ du lịch.
Việc ấp trứng cá sâu trong môi trường có độ ẩm luôn ở khoảng 70%, nhiệt độ được tạo bởi bóng đèn khoảng 32 độ C. Điều này nhằm đảm bảo được tỉ lệ trứng nở ở mức cao nhất và hạn chế được dịch bệnh.
Cá sấu xiêm có nguồn gốc ở Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng ở mức độ cực kỳ nguy cấp. Vì vậy, việc nhân giống, bảo tồn và hỗ trợ cá sấu xiêm sinh nở đang được TP.HCM chú trọng đẩy mạnh.
DÂN CƠ CỰC VÌ ĐƯỜNG HUYỆN XUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG
Võ Dũng sản xuất
Tuyến đường độc đạo từ xã Hướng Linh đi xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chỉ dài 14 km nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy.
Không chỉ hai bên lề đường bị xói lở, mặt đường bị bong tróc, nhiều đoạn bị lún sâu tạo thành ổ gà, ổ voi, trơ đá sỏi, cát sạn. Trời nắng, bụi tung mù mịt; trời mưa, nước đọng thành từng vũng sâu gây khó khăn cho việc đi lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Người dân xã Hướng Linh cho hay, nguyên nhân khiến tuyến đường nhựa này xuống cấp là do xe tải trọng lớn lưu thông trong thời gian thi công các công trình điện gió. Sau khi đi vào vận hành, đơn vị thi công chưa khắc phục tuyến đường xuống cấp. Điều này khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản và cuộc sống người dân xã Hướng Linh vô cùng cơ cực.
HẬU GIANG TĂNG HƠN 1.000 HA LÚA THU ĐÔNG
Tận dụng việc giá lúa gạo đang tăng cao, ngành nông nghiệp Hậu Giang đang thực hiện nhiều giải pháp tăng cường xuống giống lúa Thu Đông 2023. Tính đến cuối tháng 8/2023, nông dân tại các vùng có điều kiện về đê bao khép kín đã xuống giống trên 25.000ha, vượt gần 1.000ha so với kế hoạch đề ra.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang cho biết sở đã đề nghị phòng chức năng của các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, khuyến khích nông dân xuống giống lúa Thu Đông 2023, mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập, tập trung cho những vùng sản xuất lúa có đê bao khép kín an toàn trong mùa lũ; việc xuống giống lúa Thu Đông cần kết thúc trước ngày 31/8.
BÌNH DƯƠNG: NHIỀU CÔNG TRÌNH THỦY LỢI CHƯA ĐÁP ỨNG CÔNG NĂNG
(tin sản xuất – Trần Trung)
Hiện trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên tỉnh Bình Dương có 8 công trình thủy lợi, bao gồm 2 hồ chứa (Đá Bàn - Suối Sâu, Dốc Nhàn) và 6 trạm bơm, hệ thống kênh mương tưới tiêu có chiều dài gần 71km, với tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 789 ha.
Ông Đặng Văn Lượng, Trưởng trạm Thủy nông huyện Bắc Tân Uyên cho biết, do các công trình có tuổi đời trên 30 năm, hiện hầu hết đã xuống cấp. Đơn cử công trình hồ Dóc Nhàn, hiện công trình đã giảm 50% năng lực tưới thiết kế ban đầu, từ 100 ha hiện xuống còn 40 ha, đối với công trình hồ Đá Bàn kết hợp dòng Suối Sâu và đập dâng hiện chỉ đáp ứng 420/600 ha, các công trình trạm bơm cũng giảm từ 10 – 30% so với năng lực thiết kế.
Việc xuống cấp khiến quá trình vận hành trạm bơm tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, áp lực nước lên mặt trên không đảm bảo như ban đầu. Đối với công trình thủy lợi, nhất là hệ thống kênh mương do xuống cấp ảnh hưởng đến tốc độ dòng chảy, giảm lưu lượng và gây thất thoát nguồn nước.