Gìn giữ trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên biển. Các bãi tập kết than 'tra tấn' người dân. Đề xuất nhập khẩu 600.000 tấn đường. Nhãn tươi ĐBSCL giảm gần 5.000 đồng/kg.
GÌN GIỮ TRỮ LƯỢNG VÀ TÍNH ĐA DẠNG SINH HỌC TRÊN BIỂN
Tâm Phùng - Sản xuất
Sáng 26/8, tại Quảng Bình, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về các giải pháp phát triển thuỷ sản bền vững với 28 tỉnh, thành ven biển xoay quanh 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn với mục tiêu đến năm 2030 số khu bảo tồn biển chiếm 6% diện tích nhằm giảm thiểu vấn đề khai thác tận kiệt. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mới đạt 0,17%.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngoài việc sớm tháo gỡ thẻ vàngIUU thì cần hướng tới mục tiêu cuối cùng là gìn giữ trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên biển. Vì vậy, các địa phương cần phải chú trọng chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đối với ngư dân khai thác gần bờ chuyển dần sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời tổ chức có hiệu quả các mô hình cộng đồng quản lý biển. Từ đó phát triển ngành thuỷ sản thực sự bền vững đa dạng sinh học.
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ tăng số cảng cá từ 125 như hiện tại lên 172 cảng cá trong tương lai, cùng với đó số lượng tàu cá sẽ giảm xuống còn khoảng 83.000 tàu. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha vơí 10 triệu m3 lồng nuôi với mục tiêu quản lý, truy xuất nguồn gốc được toàn bộ thuỷ sản khai thác và nuôi biển.
CÁC BÃI TẬP KẾT THAN “TRA TẤN” NGƯỜI DÂN
Võ Dũng - Sản xuất
Chỉ riêng thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã có 3 bãi tập kết than đang hoạt động. Đây đều là các bãi tập kết nằm trên cao, sát quốc lộ 15D, ngay đầu các khe nước, nằm gần khu dân cư và trường học.
Trong quá trình hoạt động, các bãi tập kết này làm rơi vãi rất nhiều than xuống đường, chảy xuống các mương nước trước khi đổ ra suối A La - nơi đầu nguồn sông Đakrông. Bụi và bùn than gây cản trở phương tiện giao thông qua lại, gây ô nhiễm, bụi bẩn. Những người dân tại đây phải mua lưới đen để vây quanh nhà, tuy nhiên, tình hình cũng không được cải thiện.
Trong khi người dân thôn A Đeng phải chịu sự “tra tấn” từ các bãi tập kết than thì UBND tỉnh Quảng Trị lại đồng ý cho các bãi tập kết than này hợp thức hóa các hồ sơ thủ tục pháp lý để đi vào hoạt động. Điều này khiến người dân hết sức bức xúc.
ĐỀ XUẤT NHẬP KHẨU 600.000 TẤN ĐƯỜNG
Khai thác
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng sản lượng đường sản xuất cả nước niên vụ 2022-2023 chỉ đạt 871.000 tấn. Trong khi đó, số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy lượng tiêu thụ đường Việt Nam năm 2023 ước 2,39 triệu tấn, bình quân gần 200.000 tấn/tháng. Ngoài ra, lượng đường nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam năm 2023 được dự báo khoảng 319.070 tấn. Trong đó nhập khẩu đường trắng, đường thô ngoài hạn ngạch thuế quan của Việt Nam là 200.000 tấn. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan Việt Nam cam kết WTO dự kiến 119.000 tấn. Tổng lượng đường sản xuất trong nước và đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ năm 2023. Để giải quyết khó khăn trên và tiếp tục triển khai đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập 119.000 tấn đường theo cam kết với WTO, Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM đã kiến nghị chính phủ bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.
NHÃN TƯƠI ĐBSCL GIẢM GẦN 5.000 ĐỒNG/KG
Khai thác
Do nguồn cung tăng khi bước vào mùa thu hoạch rộ nên giá nhiều loại nhãn như xuồng cơm vàng, nhãn long, nhãn tiêu da bò… giảm ít nhất từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo đó, Tại nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, giá nhãn long, nhãn tiêu da bò thu mua tại vườn từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, nhãn Ido 15.000 - 17.000 đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng 18.000 - 20.000 đồng/kg… Riêng các loại nhãn hữu cơ, thanh nhãn còn ở mức khá giá cao 60.000 - 70.000 đồng/kg. Theo các hộ dân, năm nay nhãn cho năng suất khá nhưng giá không cao, màu nhãn không đẹp như mọi năm. Nguyên nhân là do trước thời điểm thu hoạch, có mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nhãn như màu vỏ không được tươi sáng, bị nứt.