Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về chống khai thác IUU. Đề nghị IFPRI nghiên cứu sàn giao dịch nông sản Việt. 1.159 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp. Giá cà phê đạt 105.000 đồng/kg.
Ngày 10/4, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (gọi tắt là IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, như:
Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống chống khai thác IUU.
Đề nghị IFPRI nghiên cứu sàn giao dịch nông sản Việt
Thảo Phương sx
Tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn Viện nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế IFPRI vào sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đề xuất IFPRI hỗ trợ nghiên cứu, cùng các đối tác Việt Nam về dự báo thị trường nông sản, thiết lập sàn giao dịch nông sản; Chính sách bảo hiểm nông nghiệp, tài chính nông nghiệp theo chuỗi giá trị; hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực mà IFPRI có thế mạnh.
Ông Johan Frans M.SWINNEN – Tổng Giám đốc IFPRI bày tỏ sự ngưỡng mộ với những thành tựu mà nông nghiệp Việt Nam đạt được, đơn cử như Bộ NNPTNT đã được Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Trong thời gian tới, IFPRI mong muốn tiếp tục đồng hành với Bộ NNPTNT Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
Cũng trong buổi sáng nay, đã diễn ra Lễ kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và IFPRI.
1.159 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp
Minh Phúc khai thác
Theo Cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT: Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí 3.800 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 30 công trình đập, hồ chứa thủy lợi. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ hỗ trợ các địa phương sửa chữa nâng cấp 68 hồ với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thống kê của 45 địa phương thì có 1.159 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều nhất là ở Hà Tĩnh với 79 hồ chứa, Thanh Hóa 51 hồ chứa, Tuyên Quang với 47 hồ chứa, Phú Thọ 46 hồ chứa.
Việc các hồ chứa thủy lợi xuống cấp gây nguy cơ mất an toàn cao, không phát huy được hết năng lực. Ngoài ra, chi phí quản lý vận hành tốn kém hơn, hiệu quả thấp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh.
Giá cà phê đạt 105.000 đồng/kg
Minh Phúc khai thác
Theo số liệu sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu trung bình quý I/2024 đạt 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thực tế từ đầu năm đến nay, giá cà phê xuất khẩu trung bình ở mức rất cao, lên đến 3.200 USD/tấn.
Giá xuất khẩu tăng cao đã kéo theo giá cà phê trong nước cũng đạt mức cao nhất trong vòng hơn 30 năm. Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ đồng loạt tăng mạnh 800 – 900 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử mới, dao động trong khoảng 105.000 – 105.900 đồng/kg.