Bel Gà tròn 10 tuổi - nhà cung cấp hàng chục triệu con giống mỗi năm. Nhiều tuyến giao thông bị chia cắt do mưa lũ. ĐBSCL áp dụng công nghệ cao trong nuôi cá nước ngọt. Nông nghiệp thiệt hại 3.800 tỷ USD do thảm họa.
BEL GÀ TRÒN 10 TUỔI – NHÀ CUNG CẤP HÀNG CHỤC TRIỆU CON GIỐNG MỖI NĂM
Minh Hậu - Sản xuất
Ngày 13/10, Công ty Cổ phần Bel Gà Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập công ty. Đây là công ty liên doanh giữa công ty Belgabroed (Bỉ) và De Heus (Hà Lan). Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Kris Van Daele, Tổng Giám đốc Bel Gà Việt Nam cho biết, 10 năm qua, Bel Gà đã phát triển thành công ty dẫn đầu, thiết lập các tiêu chuẩn mới và nâng cao tiêu chuẩn cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Cùng với đó, Bel Gà quyết tâm trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam.
Công ty Cổ phần Bel Gà được thành lập vào năm 2013 tại Việt Nam và chuyên về sản xuất gà giống hướng thịt và gà giống hướng trứng một ngày tuổi. Con giống chủ yếu đáp ứng cho thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang Campuchia. Năm 2023, Bel Gà đã sản xuất hàng chục triệu con giống hướng thịt cũng như hướng trứng. Đến năm 2016, doanh nghiệp này là đơn vị sản xuất chăn nuôi gà đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận GlobaGAP và đây là 1 trong những đơn vị sản xuất giống gà lớn nhất Việt Nam.
NHIỀU TUYẾN GIAO THÔNG BỊ CHIA CẮT DO MƯA LŨ
Tâm Phùng - Sản xuất
Mưa lớn kéo dài từ ngày 13 đến sáng nay 14/10 đã khiến 1 số tuyến đường giao thông ở vùng biên giới huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị lũ chia cắt. Ghi nhận tại xã miền núi Hóa Sơn, nước lũ tràn vào bản Lương Năng làm ngập khoảng 0,5m, các ngầm tràn thuộc xã Dân Hoá, Trọng Hoá cũng bị ngập sâu khiến người và phương tiện không thể qua lại được. Một số nơi người dân phải di chuyển bằng cầu treo.
Hiện, bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã thành lập 7 tổ công tác với 24 cán bộ, chiến sỹ tổ chức chốt chặn, tuyên truyền người dân không qua lại các khu vực nước chảy xiết, không vớt củi, đánh cá tại các khe, suối. Ngoài ra, 5 tổ công tác khác với 15 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để lên phương án di dời khẩn cấp nếu mưa lũ lớn xảy ra.
ĐBSCL ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG NUÔI CÁ NƯỚC NGỌT
Văn Vũ – Sản xuất
Thời gian qua, tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường nước ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nuôi cá trên bè ở ĐBSCL. Để giải quyết vấn đề này, Công ty C.P Việt Nam phối hợp với các hộ dân tại Vĩnh Long triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt ứng dụng công nghệ cao. Mô hình này bước đầu đem lại thành công nhờ sử dụng các qui trình xử lí nước hiện đại và không dùng thuốc kháng sinh, từ đó giảm được chi phí và cho ra sản phẩm sạch.
Các hộ dân tại huyện Long Hồ, huyện Vĩnh Long cho biết, năm 2020 Công ty C.P Việt Nam đã chuyển giao kỹ thuật nuôi cá điêu hồng 3 giai đoại trên ao nổi lót bạt trên diện tích 5000m2, chia ra 12 ao nuôi với mật độ phù hợp. Sau 5 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng từ 500-600gram/1con và có thể xuất bán. Ngoài ra, nhờ việc áp dụng kỹ thuật cao trong nuôi cá nước ngọt, nên người dân có thể kiểm soát được chất lượng nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, tránh được rủi ro và tạo ra môi trường sạch cho cá phát triển.
NÔNG NGHIỆP THIỆT HẠI 3.800 TỶ USD DO THẢM HOẠ
Khai thác
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, các thiên tai và thảm họa do con người gây ra đã gây thiệt hại 3.800 tỷ USD cho mùa màng và chăn nuôi. FAO cho rằng lĩnh vực nông nghiệp trên toàn thế giới ngày càng có nguy cơ bị gián đoạn do nhiều mối đe dọa như lũ lụt, thiếu nước, hạn hán, sản lượng nông nghiệp và tài nguyên cá sụt giảm, tình trạng mất đa dạng sinh học và suy thoái môi trường.
Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chiếm đến 45% tổng thiệt hại nông nghiệp là do thiên tai và thảm họa, với mức thiệt hại tương đương 4% sản lượng nông nghiệp. Sản lượng cây trồng tại các quốc gia vùng Sừng châu Phi giảm trung bình 15% do phải thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán.