Gần đây, bệnh đốm trắng trên tôm phát sinh và lây lan nhanh chóng, gây thiệt hại trên 20ha cho người dân tại các huyện Thái Thụy và Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Diện tích ao nuôi và số lượng giống thả nhiễm bệnh tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Gần đây, bệnh đốm trắng trên tôm phát sinh và lây lan nhanh chóng, gây thiệt hại trên 20ha cho người dân tại các huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Diện tích ao nuôi và số lượng giống thả nhiễm bệnh tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bìnhn cho hay, tỉnh bắt đầu ghi nhận hiện tượng tôm chết do bệnh đốm trắng tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải với 2 ao nuôi, diện tích 0,11ha. Sau đó, bệnh đốm trắng đã liên tục phát sinh, diện tích ao nuôi bị nhiễm bệnh lên đến 331 ao nuôi, diện tích ao có tôm bị bệnh là trên 20ha tại 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Anh Nguyễn Quang Hạ - Xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Ao bị nhiễm bệnh ao đấy là diện tích 1.600m2, phát hiện nó bị bệnh, nó lờ đờ vào bờ, bắt đầu vớt nó lên đi xét nghiệm thì là bị bệnh đốm trắng. Tôm thời kỳ mới thả được khoảng 10 ngày, tôm nó còn bé nên gia đình cũng không xử lý gì, thuốc men gì cả, tóm lại là hủy, không cứu. Bây giờ là đang chờ thuốc để về xử lý để hủy, hủy cả ao, khử trùng cả ao. Cùng cái ao đấy năm ngoái anh thu được 2 tấn, tổng thu được khoảng 280 triệu.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình lý giải, bệnh đốm trắng xuất hiện do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng cùng mưa làm thay đổi các yếu tố môi trường ao nuôi kết hợp với việc một số hộ xử lý ao, đầm không triệt để trước khi thả giống và ương, nuôi với mật độ quá cao so với hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Ông Phạm Văn Lý - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình
Để tăng cường kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh trên tôm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã cử cán bộ của các phòng chuyên môn trên văn phòng chi cục kết hợp với trạm chăn nuôi thú y hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy, tăng cường kiểm tra giám sát các khu vực có tôm nuôi để nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên tôm. Trong quá trình kiểm tra giám sát, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con việc xử lý các cái ao tôm mà có mầm bệnh, xử lý bằng các loại hóa chất, nghiêm cấm việc tháo nước từ các ao tôm đã bị bệnh ra kênh mương chung.
Vụ xuân hè năm 2024, toàn tỉnh Thái Bình có gần 2.800ha nuôi tôm, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ. Số lượng tôm nuôi chủ yếu ở giai đoạn 25 đến 30 ngày tuổi, đây là thời điểm nhạy cảm, tôm dễ bị nhiễm những mầm bệnh nguy hiểm. Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát bệnh đốm trắng thành dịch, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình yêu cầu các hộ nuôi tôm tiếp tục tăng cường theo dõi, giám sát ao nuôi, khi phát hiện tôm chết bất thường cần báo ngay cho ngành chuyên môn để tiến hành kiểm tra xử lý; quản lý giám sát môi trường ao nuôi, tránh tình trạng người dân tự ý xả nước ao nuôi, đề nghị UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y hỗ trợ hoá chất để hỗ trợ tập trung chỉ đạo xử lý dịch bệnh đốm trắng ở tôm nuôi, số lượng hóa chất đề nghị là 25 tấn hóa chất Chlorine hoặc tương đương.