| Hotline: 0983.970.780

Sẵn các phương án ứng phó bệnh đốm trắng trên tôm vụ đông

Thứ Năm 23/11/2023 , 13:55 (GMT+7)

Để bảo vệ tôm vụ đông trước bệnh đốm trắng do virus gây ra, ngay từ khi chuẩn bị vào vụ, ngành nông nghiệp Ninh Bình đã sẵn các phương án ứng phó.

Hộ nuôi tôm vụ đông tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Kiên Trung. 

Hộ nuôi tôm vụ đông tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Kiên Trung. 

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, bệnh đốm trắng do virus trên tôm thường xuất hiện vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp. Do đó, thực hiện kế hoạch UBND tỉnh Ninh Bình về việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023.

Ngay từ khi các hộ chuẩn bị bước vào thả giống nuôi tôm vụ đông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Trung Tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bằng bằng kỹ thuật Reatime PCR đối với 20 mẫu tôm của 14 hộ nuôi tôm tại các xã Kim Đông, Kim Hải và thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Kết quả, không phát hiện ra virus đốm trắng trên tôm.

Nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh đốm trắng do virus trên tôm, cơ quan này cũng đề nghị Phòng NN-PTNT huyện Kim Sơn thông báo kết quả xét nghiệm mẫu giám sát bệnh đốm trắng trên tôm đến UBND các xã, thị trấn và các hộ nuôi được lấy mẫu giám sát.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và cán bộ chuyên môn phụ trách thường xuyên theo dõi, bám sát địa bàn để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ nuôi biện pháp xử lý môi trường ao nuôi, phòng, chống dịch bệnh.

Trường hợp phát hiện thủy sản nuôi chết bất thường, thông tin kịp thời cho UBND huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh để xử lý, khống chế dịch bệnh kịp thời theo đúng quy định.

Bệnh đốm trắng do virus trên tôm nuôi. Ảnh: Kiên Trung.

Bệnh đốm trắng do virus trên tôm nuôi. Ảnh: Kiên Trung.

Theo đó, bệnh đốm trắng trên tôm hiện nay không có thuốc điều trị do đó khi phát hiện hoặc nghi ngờ có xuất hiện bệnh báo ngay cho cơ quan chuyên môn gần nhất, các hộ nuôi xung quanh để có biện pháp phòng bệnh kịp thời tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Cơ quan này cũng yêu cầu các chủ hộ nuôi thường xuyên kiểm tra màu sắc cơ thể tôm, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý bệnh. Khi các ao, đầm các hộ nuôi xung quanh xảy ra bệnh đốm trắng, người nuôi không nên cấp nước trực tiếp từ bên ngoài vào ao nuôi.

Tăng cường quản lý các yếu tố môi trường trong ao, tăng sức đề kháng cho tôm. Chủ hộ nuôi cần theo dõi, nắm thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra trong vùng, tình hình dự báo thời tiết và cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh.

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh do virus gây ra bệnh đốm trắng nên chỉ có thể phòng bệnh bằng các phương pháp tổng hợp. Ảnh: Huy Bình. 

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh do virus gây ra bệnh đốm trắng nên chỉ có thể phòng bệnh bằng các phương pháp tổng hợp. Ảnh: Huy Bình. 

Theo Chi cục Thủy Sản Ninh Bình, cơ quan này cũng cử cán bộ chuyên trách xuống địa bàn để hỗ trợ, tham mưu cho UBND huyện Kim Sơn về quy trình, cách thức phòng ngừa dịch bệnh.

Ông Phạm Huy Trung, cán bộ Chi cục Thủy sản được phân công nắm địa bàn tại huyện Kim Sơn cho biết, hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh do virus gây ra bệnh đốm trắng. Do đó, chỉ có thể phòng bệnh bằng các phương pháp tổng hợp.

Bệnh đốm trắng chủ yếu lây truyền theo chiều ngang, lây từ giáp xác (cua, còng...) nhiễm bệnh đốm trắng từ môi trường bên ngoài ao hoặc ngay trong ao nuôi tôm. Khi chuẩn bị ao cần tiêu diệt hết các vật trung gian truyền bệnh bằng vôi hoặc Chlorine, vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô đáy ao 5 - 7 ngày. Lấp các lỗ ở bờ ao không để cua, còng có nơi trú ẩn.

Nước được cấp vào ao nuôi cần lọc qua túi lọc nhiều lớp nhằm ngăn trứng và ấu trùng của các loài cá, giáp xác vào ao nuôi trở thành vật chủ truyền bệnh. Đối với con giống phải qua kiểm dịch và người nuôi nên giống tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng.

Môi trường ao nuôi, pH, hàm lượng khí độc,… cần phải được quản lý tốt, theo dõi sát sao tình hình thời tiết, nhất là thời điểm giao mùa, gió mùa đông bắc tăng cường, suy yếu hoặc lúc mưa, nắng thất thường.

Sử dụng các chế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi, bổ sung các loại vi sinh có lợi để ức chế mầm bệnh. Bổ sung các loại Vitamin C, men vi sinh trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm vì đây là mầm bệnh tiềm tàng.

Trong trường hợp ao tôm bị đốm trắng, thực hiên các biện pháp cách ly ngay. Nếu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Tôm chết phải chôn cùng với vôi bột ở xa khu vực nuôi, tuyệt đối không vứt tôm bị đốm trắng ra môi trường bên ngoài.

Đối với ao nuôi bị nhiễm bệnh hoặc tôm còn nhỏ nhưng đã bắt đầu chết, cần sử dụng các loại thuốc sát trùng liều cao như Formol 50 - 70 ppm hoặc Chlorine 50 - 100 ppm để hủy ao nhằm tiêu diệt virus trước khi tháo nước ra môi trường. Những ao này không nên cải tạo ngay mà để nghỉ khoảng 1 - 2 tháng và tiến hành tái tạo đáy ao.

Bệnh đốm trắng do virus trên tôm nuôi được ghi nhận lần đầu tiên tại Đài Loan năm 1992, sau đó bệnh được phát hiện và xác định là nguyên nhân gây tỷ lệ chết cao cho tôm nuôi ở nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan và Mỹ. Cho đến nay, bệnh đốm trắng vẫn đang là mối nguy hiểm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tôm trên toàn thế giới.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.