| Hotline: 0983.970.780

Tôm nuôi ở Quảng Nam chết hàng loạt

Thứ Tư 03/04/2024 , 16:01 (GMT+7)

Người nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn khi vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôm nuôi chết hàng loạt.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam đang bước vào vụ nuôi tôm nước lợ đầu tiên trong năm. Ảnh: L.K.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam đang bước vào vụ nuôi tôm nước lợ đầu tiên trong năm. Ảnh: L.K.

Sau Tết Nguyên đán, người dân ở tỉnh Quảng Nam bắt đầu bước vào vụ nuôi tôm nước lợ đầu tiên trong năm. Thế nhưng, nhiều diện tích tôm nuôi trên nhiều địa phương của tình này bất ngờ xảy ra tỉnh trạng tôm nhiễm bệnh chết hàng loạt.

Hầu hết các hồ nuôi có tôm chết đều chỉ mới thả giống được từ 1 - 2 tháng. Do kích cỡ tôm còn quá nhỏ nên người dân chỉ còn cách vớt bỏ, xử lý lại ao để thả nuôi lại.

Tại TP Tam Kỳ có 2 vùng nuôi tôm thẻ chân trắng lớn ở xã Tam Phú và Tam Thăng với diện tích khoảng 150ha. Qua thống kê, thời gian qua, khu vực này có đến hơn 65ha ao nuôi tôm bị nhiễm dịch bệnh, chết.

Từ thời điểm phát hiện tôm nuôi bị bệnh đến lúc chết hàng loạt diễn ra rất nhanh, các chủ hồ không có cách nào xử lý, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ.

Sau khi tôm chết, mấy ngày qua, ông Nguyễn Hồ (trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) cùng người thân tất bật dọn dẹp, vệ sinh lại hồ nuôi.

Ông Hồ cho biết, vụ này, gia đình ông thả nuôi 15 vạn con tôm giống trên diện tích 1.200m2. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần sau đó, toàn bộ diện tích tôm này đều bị nhiễm bệnh rồi chết trắng hồ. Nhìn tôm chết nhưng ông cũng đành bất lực vì không có cách nào cữu vãn.

Nhiều ao nuôi ở tỉnh Quảng Nam chỉ thả giống được 1 thời gian ngắn rồi bất ngờ nhiễm bệnh chết. Ảnh: L.K.

Nhiều ao nuôi ở tỉnh Quảng Nam chỉ thả giống được 1 thời gian ngắn rồi bất ngờ nhiễm bệnh chết. Ảnh: L.K.

“Mấy năm nay, người nuôi tôm chúng tôi liên tục gặp khó khăn vì tình trạng tôm chết hàng loạt. Tôm có biểu hiện lờ đờ, sau vài ngày ngày rồi chết. Thường mùa này, tôm rất hay nhiễm các bệnh về gan hoặc đốm trắng.

Các bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu. Với diện tích tôm chết như vậy, gia đình tôi thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Bây giờ làm vệ sinh hồ để thả nuôi lại nhưng cũng rất bất an”, ông Hồ nói.

Ông Ngô Lê Hoàng Vũ, cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Phú cho hay, người nuôi tôm trên địa bàn đang lo lắng vì thời tiết luôn chuyển biến xấu, tôm nuôi khó thích ứng. Đến nay, trên địa bàn đã có hơn 16ha tôm nuôi bị chết do dịch bệnh.

Tại địa phương, hiện nay người nuôi tôm không có đủ khả năng để tích tụ, tập trung ruộng đất, đầu tư nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Việc nuôi tôm quảng canh, không có ao chứa nước lắng, tôm giống không được kiểm dịch dẫn đến dịch bệnh tràn lan.

Ở thôn Kim Đới (xã Tam Thăng) sau khi tôm chết, nhiều ao nuôi bây giờ nước đục ngầu, nhiều loại rác thải tấp vào bờ, bốc mùi hôi thối. Để kịp thời vụ, các chủ hồ đang tranh thủ bơm rút nước trong ao nuôi, dùng hóa chất, vôi bột để xử lý vi khuẩn.

Theo ông Lương Đình Tú (trú thôn Kim Đới), gia đình ông có 4 sào nuôi tôm nhưng cách đây 10 ngày đã chết sạch. Ông cũng như một số bà con trong vùng cũng chưa xác định được nguyên nhân vì sao tôm nhiễm bệnh chết do thời tiết hay môi trường không đảm bảo.

Các chủ hồ dọn dẹp, vệ sinh lại ao nuôi tôm trước khi thả giống mới. Ảnh: L.K.

Các chủ hồ dọn dẹp, vệ sinh lại ao nuôi tôm trước khi thả giống mới. Ảnh: L.K.

Không chỉ ở TP Tam Kỳ mà đến nay, nhiều ao nuôi tôm nước lợ ở các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Nam như huyện Duy Xuyên, TP Hội An cũng xảy ra tình trạng tương tôm chết hàng loạt.

Thống kê của Phòng Kinh tế TP Hội An, trong vụ 1 nuôi tôm nước lợ ở thành phố năm nay đã có 5ha tôm chết do bệnh đốm trắng.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, trước tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này cũng đã kiểm tra và xác định được có 20ha tôm nuôi ở các địa phương bị nhiễm bệnh đốm trắng.

Nguyên nhân tôm nuôi bị bệnh là do thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Bệnh còn phát sinh và lây lan do hạ tầng cơ sở nuôi không đảm bảo, không có ao chứa, ao xử lý nước thải...

“Chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không được xả nước trong ao tôm bị nhiễm bệnh ra môi trường.

Các ao tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, người dân phải xử lý bằng Sodium Chlorite 20% nồng độ 30ppm (tức là 300kg/ha với mức nước trong ao nuôi là 1m), đóng kỹ cống, giữ nước từ 5 - 7 ngày. Sau đó cải tạo ao thật kỹ trước khi thả tôm giống nuôi trở lại”, ông Vũ nói.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.