Thủ tướng ban hành công điện khẩn ứng phó mưa lớn bất thường. Bộ NN-PTNT tạm dừng tham gia gói mới với 5 nhà thầu. Ngành thủy sản chủ động ứng phó rào cản thương mại. Thái Lan muốn tăng thương mại trái cây với Việt Nam.
THỦ TƯỚNG BAN HÀNH CÔNG ĐIỆN KHẨN ỨNG PHÓ MƯA LỚN BẤT THƯỜNG
Trước tình hình miền Trung mưa lớn bất thường chưa từng có giữa mùa khô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện khẩn gửi các địa phương, các bộ ngành chức năng khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Trước thiệt hại to lớn của người dân do miền Trung mưa lớn dị thường giữa mùa khô, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp với địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ. Ngay sau khi xảy ra hiện tượng mưa lũ bất thường gây thiệt hại nghiêm trong, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên đã kiểm tra và chỉ đạo khắc phục thiệt hại do mưa lớn, gió lốc xảy ra tại Phú Yên. Thứ trưởng Hiệp đánh giá qua đợt thiên tai bất thường này, cho thấy người dân vẫn chưa nắm rõ được các thông tin cảnh báo, do vậy sắp tới, công tác thông tin, cảnh báo phải làm rõ được cấp độ, đường đi của gió. Từ dự báo này, chính quyền địa phương phải chủ động, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, chuyển tải sớm cho ngư dân, có như vậy mới giảm được thiệt hại do thiên tai.
BỘ NN-PTNT TẠM DỪNG THAM GIA GÓI MỚI VỚI 5 NHÀ THẦU
Theo Báo cáo Đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 6 tháng cuối năm 2021, Bộ NN&PTNT đã quyết định tạm dừng tham gia các gói thầu mới đối với 5 nhà thầu để tập trung khắc phục các tồn tại gói thầu dở dang. Cụ thể, 5 nhà thầu bao gồm: Công ty CP Xây dựng số 12 (Vinaconex 12); Công ty CP Lũng Lô 2; Công ty CP Sông Đà 5; Công ty TNHH Giải pháp BIM Hà Nội; Công ty TNHH Công nghệ V3. Cùng với đó, Bộ cũng nhắc nhở, chấn chỉnh, giám sát chặt chẽ đối với 15 nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng. Lý do là các nhà thầu này không đáp ứng về nhân lực, thiết bị, tiến độ các gói thầu đang thực hiện.
NGÀNH THỦY SẢN CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ RÀO CẢN THƯƠNG MẠI
Thống kê cho thấy, mặc dù dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 vẫn đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020. Tuy nhiên, đây lại là một trong những ngành phải đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra sớm nhất. Ngành thủy sản Việt Nam đã trải qua 18 kỳ rà soát thuế chống bán phá giá với cá tra, basa và 16 kỳ rà soát chống bán phá giá đối với tôm nước ấm.Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) giai đoạn đầu ngành thủy sản còn bỡ ngỡ do các vụ kiện và gặp nhiều bất lợi trong các lần thực hiện hiện rà soát của thị trường nhập khẩu. Thế nhưng, với tinh thần "ngã ở đâu đứng dậy ở đó", cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản qua đây đã sớm rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để chủ động ứng phó.
Theo Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây và mở một làn xanh dành cho trái cây Thái Lan tại mỗi cửa khẩu góp phần đẩy nhanh việc giải phóng hàng tránh gây thiệt hại. Theo báo cáo của Vụ Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, tổng sản lượng trái cây vụ mùa 2022 của nước này dự kiến tăng 13% lên 5,43 triệu tấn, chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, nhãn, chôm chôm và xoài
Bộ Thương mại Thái Lan đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trái cây trị giá 287,5 tỷ Bạt tương đương 8,53 tỷ USD bao gồm trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô và đóng hộp. Mục tiêu xuất khẩu cao chủ yếu do nhu cầu tăng đối với trái cây Thái Lan và sản lượng cao mùa vụ 2022. Để thúc đẩy xuất khẩu trái cây, Bộ Thương mại Thái Lan đã xúc tiến bán trái cây thông qua các hợp đồng ứng trước lên tới 450.000 tấn