Hơn 100 công nhân đội mưa rét nạo vét sông Tô Lịch. Thanh Hóa: Kỷ luật nhiều cá nhân do cấp nhà cho hộ nghèo sai đối tượng. Bắc Kạn đặt mục tiêu đạt 20 tấn mật ong mỗi năm. Một nghìn lao động thuộc các tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ tạm nghỉ việc.
HƠN 100 CÔNG NHÂN ĐỘI MƯA RÉT NẠO VÉT SÔNG TÔ LỊCH
Kiên Trung
Gần một tuần qua, hơn 100 công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội chia làm 2 ca ngày - đêm đội mưa rét nạo vét sông Tô Lịch, chuẩn bị cho ‘cuộc cách mạng’ hồi sinh dòng sông chết.
4 tổ máy chia làm 2 ca ngày và đêm tiến hành nạo vét bùn thải dưới lòng sông gấp rút thi công 24/24 mỗi ngày. Mỗi ca máy có hơn chục công nhân, chia thành 3 nhóm.
Với chiều dài khoảng 14km chảy qua 4 quận nội thành gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, việc nạo vét bùn thải trên sông Tô Lịch sẽ được tiến hành cuốn chiếu. Điểm nạo vét đầu tiên bắt đầu triển khai tại cống thoát nước, vị trí đường Hoàng Quốc Việt giao với phố Nguyễn Đình Hoàn. Tổng khối lượng bùn thải cần nạo vét ước khoảng 60.000m3.
Theo kế hoạch, tháng 9/2025, Hà Nội sẽ tiến hành bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch tại cống thoát nước trên đường Hoàng Quốc Việt bằng phương án xây dựng tuyến ống đường kính 1,2m, dài khoảng 5,3km qua đê, chạy dọc đường Võ Chí Công.
THANH HOÁ: KỶ LUẬT NHIỀU CÁ NHÂN DO CẤP NHÀ CHO HỘ NGHÈO SAI ĐỐI TƯỢNG
Quốc Toản
Theo báo cáo của Sở Nội vụ Thanh Hóa, vào ngày 9/8/2023, UBND huyện Lang Chánh đã phê duyệt danh sách các hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo quyết định này, có 747 hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hơn 21,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã có 178 hộ không thuộc diện hưởng nhưng vẫn nhận được hỗ trợ, do cấp trùng với các chính sách khác, với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Từ căn cứ trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu huyện Lang Chánh thu hồi toàn bộ số tiền cấp không đúng quy định, nộp về ngân sách.
UBND huyện đã tổ chức Hội đồng kỷ luật, xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 10 cá nhân và kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 22 cá nhân. Nguyên nhân do các cá nhân này đã cấp sai tiền hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo trên địa bàn.
BẮC KẠN ĐẶT MỤC TIÊU ĐẠT 20 TẤN MẬT ONG MỖI NĂM
Ngọc Tú - Quỳnh Anh
Với điều kiện, tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả, nghề nuôi ong ở Bắc Kạn vừa có lợi cho người nuôi, vừa có lợi đối với trồng trọt, giá trị kinh tế đem lại góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Bình quân trong 3 năm từ 2022-2024, đàn ong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có gần 4.800 tổ; sản lượng đạt 12 tấn/năm phân bổ chủ yếu tại thành phố Bắc Kạn và các huyện Chợ Mới, Na Rì, Bạch Thông, Ba Bể.
Nhằm thực hiện các quyết định của Bộ NN-PTNT về triển khai Đề án Phát triển bền vững ngành ong, Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2030 duy trì ổn định và phát triển số lượng đàn ong trên toàn tỉnh đạt từ 8.000 tổ ong trở lên, với tổng sản lượng mật ong đạt từ 20 tấn/năm trở lên.
MỘT NGHÌN LAO ĐỘNG THUỘC CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ DO MỸ TÀI TRỢ TẠM NGHỈ VIỆC
Võ Dũng
Sau khi chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ tạm dừng hoạt động trong vòng 90 ngày trên phạm vi toàn cầu, kể từ ngày 25/1/2025, Quảng Trị có khoảng 1 nghìn lao động tham gia khảo sát và rà phá bom mìn do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua các tổ chức và dự án hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin từ nguồn viện trợ ODA không hoàn lại của USAID tạm thời nghỉ việc. Việc tạm dừng hoạt động các chương trình, dự án trên sẽ tác động trực tiếp đến các mục tiêu quan trọng trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn của tỉnh Quảng Trị, trong đó có Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2016-2025; triển khai thí điểm bộ tiêu chí “Tỉnh an toàn” tiến tới áp dụng chính thức trên địa bàn toàn tỉnh trong giai đoạn sau 2025 và tạo môi trường sống an toàn cho người dân.