Thị trường phân bón khởi sắc. Vùng nguyên liệu dứa 400ha tại Nghệ An. Phát triển làng nghề nâng cao đời sống người dân. Năng suất và giá bán lúa đông xuân sớm đều giảm.
THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN KHỞI SẮC
Đầu năm 2025, thị trường phân bón Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi xu hướng giá thế giới tăng, nhu cầu tiêu thụ trong nước ổn định. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón có tiềm năng xuất khẩu cao ngay từ đầu năm.
Tại thị trường trong nước, giá phân ure đã tăng mạnh từ nửa cuối tháng 1 và đà tăng này tiếp tục duy trì từ đầu tháng 2 đến nay. Chỉ tính trong tháng 1, giá ure bình quân tại thị trường Việt Nam đã tăng khoảng 33-632 đồng/kg so với tháng 12/2024 và hiện ở mức cao nhất tính từ tháng 10/2023. Công tác xuất khẩu phân bón cũng gặp thuận lợi. Lượng xuất khẩu ure của Việt Nam trong tháng 01 đã đạt gần 73.000 tấn. Dự báo, lượng xuất khẩu trong tháng 02 đạt khoảng 70.000 tấn.
VÙNG NGUYÊN LIỆU DỨA 400HA TẠI NGHỆ AN
(Ngọc Linh - Việt Khánh thực hiện)
Vùng trồng dứa của Nghệ An tập trung chủ yếu tại các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu của huyện Quỳnh Lưu với quy mô hơn 1.400ha. Trong đó Công ty TNHH nông sản Tuấn An là một trong những đơn vị tiên phong triển khai liên kết với quy mô khoảng 300 ha.
Nhờ ổn định đầu ra, người dân dứa đã xóa nhòa tâm lý lo lắng, từ đó chủ động đầu tư sản xuất và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm nhằm từng bước hướng đến xuất khẩu.
Từ nền tảng đang có, Công ty TNHH Tuấn An đã chủ động mở rộng phạm vi, hợp tác với Nafoods để phát triển vùng trồng dứa nguyên liệu tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Dự kiến trong năm nay, 2 doanh nghiệp sẽ triển khai trồng 100ha dứa tại vùng này, kỳ vọng tương lai sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Những năm qua, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách. Toàn TP hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Để phát huy giá trị làng nghề, Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp với các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch làng nghề. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng các sản phẩm làng nghề mang tính độc đáo.
Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ quan điểm bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ giữ gìn cảnh quan nông thôn của làng nghề, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.
Thời điểm này, nhiều địa phương ĐBSCL đã bước vào thu hoạch vụ lúa đông xuân sớm. Tại Hậu Giang, theo Sở NN-PTNT tỉnh này, Vụ lúa Đông xuân 2024 - 2025, nông dân Hậu Giang gieo sạ được gần 74.000 ha, hiện có hơn 40.000 ha đang trong giai đoạn trổ chín. Đến ngày 24/2, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch lúa Đông Xuân sớm khoảng 30 ha tại một số huyện với năng suất bình quân đạt từ 6 - 7 tấn/ha, thấp hơn từ 1 - 2 tấn/ha so vụ lúa Đông Xuân cùng kỳ. Cùng với đó, giá lúa Đông Xuân sớm tại địa phương hiện đang thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ, giảm bình quân từ 1.500 - 1.800 đồng/kg.
Theo nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang, chi phí đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân năm nay tăng hơn so với năm ngoái. Trong khi, cả năng suất và giá lúa lại giảm mạnh nên thu nhập của người trồng lúa Đông Xuân sớm bị giảm đáng kể.