Tăng cường tuân thủ các quy định của thị trường EU. Nhiều nông hộ tự sản xuất phân hữu cơ bằng vi sinh rất hiệu quả. Đồng Nai: Ngành gỗ phấn đấu xuất khẩu 2 tỷ USD năm 2025. Giá sắn giảm sâu, thu hoạch cầm chừng.
(Trám hình sầu riêng; thanh long, hồ tiêu, cà phê…)
Sáng này 24/2, tại Hà Nội, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU”. Theo ông Lê Thanh Hoà, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Một phần nguyên nhân đến từ nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa thực sự đầy đủ. Do EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram, thậm chí thuộc diện xách tay cũng bị kiểm tra. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào EU ngày càng có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Đây là thị trường lớn, với hơn 450 triệu dân, có nhu cầu cao đối với cà phê, hạt điều, tiêu, trái cây nhiệt đới, thủy sản…Tuy nhiên, EU cũng là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, việc thực hiện thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn những thay đổi, dự thảo quy định của các quốc gia thành viên WTO là nhiệm vụ thường xuyên của Văn phòng SPS. Đó cũng là cách để đơn vị được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối thông tin về minh bạch thông tin thị trường, các biện pháp kiểm dịch động thực vật hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất khẩu nắm bắt quy định thị trường, đảm bảo hoạt động giao thương vào EU.
NHIỀU NÔNG HỘ TỰ SẢN XUẤT PHÂN HỮU CƠ BẰNG VI SINH RẤT HIỆU QUẢ
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, nhất là với khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản động thực vật và thủy sản. Tận dụng nguồn nguyên liệu này, thời gian qua, nhiều địa phương đã làm tốt việc hướng dẫn nông dân tự sản xuất phân hữu cơ. Đơn cử như tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, nơi có gần 17.000 ha dừa, trong đó có hơn 6.000 ha canh tác hữu cơ. Nhu cầu sử dụng phân hữu cơ rất lớn, trong khi địa phương lại dồi dào nguồn phụ phẩm chăn nuôi. Do đó, ngành chức năng huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người dân tự ủ phân hữu cơ vi sinh. Cùng với đó, địa phương còn tư vấn, thực hiện nhiều điểm ủ phân hữu cơ cũng như hỗ trợ nhà nông men vi sinh để ủ phân... Nhờ vậy, nhiều nông hộ đã thực hiện thành công tự sản xuất phân hữu cơ.
ĐỒNG NAI: NGÀNH GỖ PHẤN ĐẤU XUẤT KHẨU 2 TỶ USD NĂM 2025
Là địa phương có giá trị xuất khẩu ngành gỗ lớn thứ 2 cả nước sau Bình Dương, ngành gỗ tỉnh Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều dự án về gỗ kỹ thuật, xác định xu hướng phát triển bền vững trong ngành gỗ và tiềm năng thị trường cho sản phẩm gỗ kỹ thuật trong tương lai. Địa phương này đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ đạt 2 tỷ USD trong năm 2025. Theo số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 1.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, chiếm 30% của toàn vùng Đông Nam Bộ. Trong tổng số các cơ sở chế biến gỗ, Đồng Nai có trên 200 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tỉnh Đồng Nai bình quân hằng năm chiếm 12 - 14% cả nước.
GIÁ SẮN GIẢM SÂU, THU HOẠCH CẦM CHỪNG
Thời điểm này, nhiều nông dân trồng sắn tại các tỉnh như Gia Lai, Thanh Hóa, Điện Biên, Tuyên Quang,... đang đối mặt với khó khăn khi giá sắn năm nay giảm gần một nửa so với năm trước, dao động từ 1.300 đến 1.700 đồng/kg. Trong khi chưa tìm được lối đi mới, nhiều nông dân thu hoạch cầm chừng để chờ sự thay đổi của giá sắn. Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến giá sắn giảm mạnh, nhiều hộ dân cho rằng do nhu cầu tiêu thụ từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong nước giảm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khi đó, nguồn cung lại tăng do nhiều hộ mở rộng diện tích trồng sắn, lại càng thêm áp lực tới giá bán và thị trường tiêu thụ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 295.000 tấn sắn và các sản phẩm với trị giá hơn 99,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng xuất khẩu giảm mạnh 29,6% và trị giá giảm đến 48,9%.