Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, lâu nay chúng ta mới chỉ chú ý đến phần 'cốt' chứ chưa khai thác hết những giá trị mà phần 'hồn' của những khu rừng mang lại.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Hồn’ của rừng còn chưa được khai thác
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, lâu nay chúng ta mới chỉ chú ý đến phần ‘cốt’ chứ chưa khai thác hết những giá trị mà phần ‘hồn’ của những khu rừng mang lại.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 14,8 triệu ha rừng, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, diện tích rừng này đã và đang được bảo tồn, chỉ còn gần 4,7 triệu ha rừng trồng để khai thác, tổ chức, sản xuất để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, câu thần chú: “Phát triển giá tri đa dụng của hệ sinh thái rừng” hứa hẹn mở ra kho báu từ rừng. Và kho báu lớn nhất, không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết chính là tư duy mở: mọi người cùng nhau trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng để rừng mãi lên xanh và tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau.
Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thiên nhiên tồn tại không cần đến con người, nhưng con người muốn tồn tại thì phải có thiên nhiên. Chúng ta không phải khai thác cạn kiệt, không phải phát huy giá trị đa dụng theo tư duy khai thác tài nguyên. Mà vừa khai thác, vừa nuôi dưỡng. Rừng khỏe thì chúng ta mới khỏe, doanh nghiệp mới khỏe, bà con mới khỏe. Còn rừng yếu ớt do mọi cái chúng ta thấy tính đa dụng của nó ở tầng thấp quá thì rừng càng ngày sẽ yếu đi.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNT, ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam". Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm tạo việc làm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Và để triển khai có hiệu quả Đề án thì rất cần sự thay đổi tư duy đối với những giá trị mà rừng mang lại.
Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tôi hay nói rừng có hồn, mình mới khai thác cái cốt của rừng thôi chứ chưa khai thác cái hồn của rừng. Hồn nó cũng bán được đó, bán còn nhiều hơn cả cái cốt nữa. Nếu chúng ta biết tư duy, chứ chúng ta đừng có nghĩ rằng đã khai thác hết giá trị của rừng. Nếu chúng ta cứ chăm bẵm cái cốt thì nó sẽ mất đi cái hồn. Mà cái hồn nó mới quan trọng. Và cái hồn suy cho cùng nó là vô hình nhưng nó sẽ chuyển hóa được thành cái hữu hình nếu chúng ta biết tích hợp kể một câu chuyện về rừng. Và tôi tin tưởng rằng cái giá trị từ rừng mang lại phải gấp 10, gấp 100 lần nó mới xứng đáng người ta gọi là ‘rừng vàng’.
Đền án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam" cũng đặt ra mục tiêu phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tăng 1,5 lần so với năm 2020 vào năm 2030 và tăng gấp 2 lần vào năm 2050; tỷ trọng xuất khẩu từ 10- 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050. Bên cạnh đó, đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể về việc duy trì và phát triển diện tích rừng đặc dụng; tỷ lệ lao động lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số ở khu vực có rừng…