Với lợi thế đất có rừng trên 570.000ha, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác quản lý, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân từ kinh tế rừng.
Quản lý và khai thác rừng hiệu quả để phát triển kinh tế
Hiện nay, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở Lạng Sơn chiếm 74% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Trung bình hàng năm, Lạng Sơn trồng mới được 9-10.000 ha, nâng diện tích rừng trồng toàn tỉnh đến nay đạt trên 316.000 ha.
Sản xuất lâm nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lạng Sơn, nhất là các vùng khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông HỨA HỒNG BIÊN Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoàng Sơn, xã Hoàng Đồng, Tp. Lạng Sơn
Trong những năm qua thôn thường xuyên tuyên truyền bà con phát triển cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như cây gỗ lớn, cây hồi, sở. Thống kê năm ngoái bà con trồng được nhiều thông, quế trên 30 ha. Ngoài ra về công tác chăm sóc bảo vệ rừng thì các hộ gia đình chấp hành rất là tốt, công tác tuyên truyền được đến tận người dân rồi.
Toàn tỉnh có trên 572.000 ha đất có rừng, trong đó trên 255 nghìn ha là rừng tự nhiên. Hiện nay công tác trồng rừng vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định do đặc điểm diện tích đất trống đồi núi trọc chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, điều kiện giao thông đi lại khó khăn.
Trong khi đó, mức hỗ trợ đầu tư còn rất hạn chế, sản xuất lâm nghiệp phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết và việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng trồng còn ít. Do đó, nhiều giải pháp đã được các cấp ngành đưa ra cho từng giai đoạn cụ thể.
Bà NGUYỄN THỊ KIM LOAN
Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, các cấp ngành của tỉnh đã có những giải pháp thiết thực về pháp triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã có kế hoạch và phân bổ nguồn lực, các địa phương đã có kế hoạch, chương trình hành động triển khai xuống cấp xã để tổ chức thực hiện hằng năm.
Với các chính sách đã đề ra, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến kinh doanh nông lâm nghiệp, đặc biệt là thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp, phấn đấu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp vào năm 2030 đạt mục tiêu 7.100 tỷ đồng, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 67%.