Cá lồng bè chết hàng loạt ở Cát Bà. Thu nhập 100 triệu đồng nhờ trồng cây lá dong dưới tán rừng. Ứng dụng AI, IOT quản lý hệ sinh thái Tràm Chim. Quy tập được 3 hài cốt liệt sỹ.
Cá lồng bè chết hàng loạt ở Cát Bà
Đinh Mười sx
Từ cuối năm 2023 đến nay, tình trạng cá lồng bè ở Cát Bà bị mắc bệnh lở loét rồi chết hàng loạt diễn ra thường xuyên, từ cá giống mới mua về cho đến cá thương phẩm.
Tình trạng cá chết diễn ra ở hầu hết các lồng bè nuôi, trong đó, lượng cá lồng bè giống mới thả bị chết tỷ lệ cao hơn so với cá thương phẩm, chủ yếu là cá song, dù người dân đã dùng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Đến thời điểm hiện tại, có hộ đã thiệt hại hơn 1 tấn cá thương phẩm, trị giá khoảng 200 triệu đồng; có hộ thiệt hại hơn 2 vạn cá giống mới thả, thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng cá chết đã ít hơn.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết 05 của thành phố Hải Phòng về việc hỗ trợ tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản và đề án nuôi trồng thủy sản cá lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, đến hết tháng 5/2023, 419/440 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được tháo dỡ hoàn toàn.
Hiện tại, trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có hơn 100 hộ nuôi cá lồng bè.
Thu nhập 100 triệu đồng nhờ trồng cây lá dong dưới tán rừng
Ngọc Tú sx
Gia đình bà Phạm Thị Thu, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn có 12ha rừng trồng cây keo, bồ đề, mỡ. Không chỉ khai thác cây lấy gỗ, bà Thu trồng xen cây lá dong dưới tán rừng. Cây lá dong ưa ẩm, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp nên tỷ lệ sinh lời cao. Mỗi năm cây lá dong cho thu hoạch 2 vụ mang lại cho gia đình khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay đầu ra của cây lá dong rất ổn định, tư thương từ miền xuôi lên thu mua tận nơi. Trung bình lá dong bán từ 700 đồng đến 1 nghìn đồng/lá. Tại Bắc Kạn, diện tích rừng trồng lớn nên người dân nhiều nơi tận dụng trồng cây lá dong dưới tán rừng, diện tích ngày càng mở rộng.
Ứng dụng AI, IOT quản lý hệ sinh thái tràm chim
Thanh Thủy – Quỳnh Chi sx
Vườn quốc gia Tràm Chim không chỉ là khu vực thiên nhiên đa dạng với hơn 230 loài chim và 130 loài cá, mà còn là một trong những hệ sinh thái ngập nước cuối cùng còn lại đang đối diện với nguy cơ bị đe dọa.
Nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe của hệ sinh thái này, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Wollongong (Úc) đã hợp tác thực hiện dự án quản lý môi trường hệ sinh thái ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet of Things (IoT). Các thông tin về động thực vật và nguồn nước sẽ được giám sát, thu thập một cách hoàn toàn tự động thông qua các trạm. Dữ liệu thu thập hàng ngày, hàng giờ giúp các nhà quản lý ngay lập tức nắm bắt được các chỉ số quan trọng từ đó có những quyết sách hợp lý hơn và nhanh chóng hơn giúp ích trong việc quản lý môi trường bảo tồn đa dạng sinh học và các loài chim quý.
Quy tập được 3 hài cốt liệt sỹ
Võ Dũng sx
Thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, từ ngày 21 đến ngày 27/3, cán bộ, chiến sĩ Đội 584 thuộc Phòng Chính trị đã tìm thấy và quy tập được 2 hài cốt liệt sỹ tại vườn một gia đình thôn Trường Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng.
Hài cốt liệt sỹ được tìm thấy nằm ở độ sâu hơn 1m, bọc trong tăng, võng, còn nhiều xương, răng; có nhiều di vật kèm theo như: Bình tông, bật lửa, đồng hồ, bút, dây chuyền, súng K54, băng đạn, dép cao su…
Cũng trong ngày 27/3, Đội 584 đã khảo sát, tìm kiếm và quy tập được 1 hài cốt liệt sỹ tại bản Đen Vi Lay, huyện Nòng, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, nước CHDC Nhân dân Lào.
Hài cốt được tìm thấy sâu gần 1m, còn nhiều xương, răng; có nhiều di vật kèm theo như 1 cúc áo, 1 khăn quàng cổ, 1 đầu đạn cối, 2 khuy đeo trang bị…
Hiện nay Đội 584 đang tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm tại khu vực đã xác định.