| Hotline: 0983.970.780

Sạ lúa, trồng dừa như thế nào để thu được tín chỉ carbon?

Thứ Tư 27/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

ĐBSCL Sắp tới nông dân trồng dừa hay làm lúa ở ĐBSCL chỉ cần 'mắc võng ngủ' cũng có tiền bán tín chỉ carbon. Liệu có chuyện 'làm chơi ăn thật' như vậy không?

TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với  TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.

Ông Hải cho biết, theo nghị định thư Kyoto năm 1997, các quốc gia cam kết những nước nào phát thải nhiều carbon sẽ phải đóng tiền, ngược lại nước nào hấp thu nhiều carbon thì được nhận tiền để tạo ra bầu khí quyển trong lành hơn. Đây chính là cơ sở hình thành thị trường carbon. 

Hiện nay, có dư luận cho rằng Việt Nam bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD mỗi tín chỉ là quá rẻ vì có nơi mua giá cao hơn. Ông nhận định vấn đề này ra sao?

Không có căn cứ để đánh giá 5 USD cho mỗi tín chỉ là quá rẻ được, bởi giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường và tùy theo hình thức hình thành tín chỉ carbon. Do thị trường carbon có hai loại là thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc, nên giá mỗi tín chỉ carbon ở hai thị trường này khác nhau. 

Thị trường tự nguyện là thị trường mà trong đó các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này, bao gồm cả các dự án giảm phát thải carbon từ trồng lúa, trồng dừa hay từ rừng.

Đối với cây lúa hoặc cây dừa thì trồng theo phương pháp hiện nay được xem là mức bình thường, nhưng muốn có tín chỉ carbon thì phải thay đổi các biện pháp trồng trọt hoặc đầu tư công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính.

Phần khí thải nhà kính giảm sâu khi đầu tư so với mức bình thường ban đầu sẽ được đo đạc và chứng nhận số tấn carbon giảm (1 tấn carbon = 1 tín chỉ), chính là tín chỉ carbon thu được. Đối với rừng thì tính trên số lượng carbon mà rừng hấp thụ được. 

Thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà trong đó các cơ sở bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở. Các cơ sở này được phép mua bán, trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường. Cụ thể những doanh nghiệp sản xuất tạo ra khí thải nhà kính (quy đổi ra khí CO2) thì phải mua tín chỉ carbon để bù cho hoạt động sản xuất đã tạo ra carbon hoặc các loại khí độc hại khác cho môi trường.

Với cây lúa hoặc cây dừa, muốn có tín chỉ carbon chúng ta phải thay đổi các biện pháp trồng trọt hoặc đầu tư công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với cây lúa hoặc cây dừa, muốn có tín chỉ carbon chúng ta phải thay đổi các biện pháp trồng trọt hoặc đầu tư công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vừa qua, Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng là bán ở thị trường tự nguyện cho bên trung gian đối tác, họ mua số lượng lớn và mua theo cam kết của dự án. Đây là giá trung bình đối với loại tín chỉ carbon này. Còn các doanh nghiệp ở thị trường bắt buộc liên hệ với các trung gian này để  mua lại tín chỉ carbon, bên trung gian bán giá nào thì các doanh nghiệp phải mua theo giá đó, vì không mau sẽ bị phạt, thiệt hại lớn hơn. 

Nhưng vì sao tín chỉ carbon rừng Việt Nam chỉ được mua 5 USD/ tín chỉ mà trên thế giới có loại tín chỉ carbon được mua đến 100 USD/tín chỉ?

Đối với thị trường carbon tự nguyện, khi viết dự án phải thể hiện được phương pháp thực hiện, tổng mức đầu tư, phương pháp đo lường và lĩnh vực đầu tư. Tất cả phải có thông tin và ghi vào “sổ nhật ký giảm phát thải”. Căn cứ vào các thông số do dự án thực hiện, sẽ có đơn vị độc lập thẩm định và cấp tín chỉ.

Giá của một tín chỉ carbon thường căn cứ vào các khoản đầu tư và lĩnh vực đầu tư. Ở khía cạnh khác, có một số doanh nghiệp đưa giá mua tín chỉ carbon rất cao ở những lĩnh vực người ta khuyến khích giảm phát thải như sản xuất nhựa, phân bón, thép và  thương thảo giá bán, bên bán phải chứng minh số vốn đầu tư để ra được 1 tín chỉ carbon. Mức đầu tư càng lớn thì giá bán càng cao, đây là cách khuyến khích các ngành khó khăn tạo ra tín chỉ carbon.

Chính phủ Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng vừa qua là bán ở thị trường tự nguyện cho bên trung gian đối tác (WB), họ mua số lượng lớn và mua theo cam kết của dự án. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chính phủ Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng vừa qua là bán ở thị trường tự nguyện cho bên trung gian đối tác (WB), họ mua số lượng lớn và mua theo cam kết của dự án. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn với trường hợp trồng dừa thì chi phí đầu tư không nhiều, thậm chí tín chỉ carbon từ rừng cũng không có nhiều chi phí đầu tư nên sau khi tính toán chỉ ra giá 5-10 USD/tín chỉ. Các tín chỉ carbon từ rừng trên thế giới cũng chỉ bán được giá đó thôi, thậm chí có nơi còn thấp hơn như tín chỉ carbon của rừng Amazon chỉ bán với giá 1,5 USD/tín chỉ. 

Để có một tín chỉ carbon từ trồng dừa hoặc trồng lúa thì chúng ta phải làm những công việc gì, thưa ông?

Muốn có tín chỉ carbon từ dừa, lúa thì trước hết người nông dân phải làm dự án trình cơ quan có chức năng để được phê duyệt và đăng ký với đơn vị thu mua, thẩm định. Ví dụ đối với tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 76.000 ha diện tích trồng dừa, muốn tham gia thị trường carbon, người dân (hoặc thuê đơn vị có chức năng) phải đo được hiện trạng ban đầu diện tích dừa này hấp thụ bao nhiêu carbon trong tự nhiên và thải ra tự nhiên bao nhiêu khí nhà kính từ các hoạt động liên quan như bón phân, phun thuốc đốt lá dừa, xơ dừa, và các loại phế phụ phẩm của nó.

Sau đó phải đưa ra các biện pháp để giảm phát thải carbon ra môi trường (giảm phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu, chế biến lá dừa, xơ dừa…). Trong quá trình thực hiện dự án, người dân phải ghi chép nhật ký thực hành giảm carbon, các máy đo lượng khí thải carbon ra môi trường được đặt tại vườn dừa sẽ đo các thông số môi trường để xác định lượng carbon thải ra.

Số tín chỉ thu được sẽ là lượng carbon thải ra chênh lệch sau khi thực hiện dự án so với hiện trạng ban đầu trên mỗi ha dừa/năm. Ví dụ sau khoảng thời gian thực hiện dự án, mỗi ha dừa đã giảm được 5 tấn carbon/năm, quy đổi ra được 5 tín chỉ carbon/ha. Quá trình thực hiện này sẽ có đơn vị phụ trách đo lượng carbon phát thải ra môi trường, có công ty thẩm định và cấp tín chỉ carbon cho dự án.  

Tương tự đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 và được Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ 40 triệu USD không hoàn lại và 400 triệu vốn vay ODA. Các doanh nghiệp, HTX và nông dân muốn tham gia vào đề án để canh tác lúa giảm phát thải và để nông dân trồng lúa có thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon. Ngoài bán lúa ra, người trồng lúa và doanh nghiệp cần hiểu và tham gia vào các quy trình như: Đối tượng tác động chính gồm (giảm đầu vào  như giống, vật tư nông nghiệp, chuyển đầu vào từ hóa học sang một phần vi sinh và hữu cơ thì bắt buộc áp dụng tưới ngập khô xen kẽ và lấy rơm ra khỏi đồng ruộng).

Trong đó, ngập khô xen kẽ và lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng là 2 giai đoạn có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon hơn các giai đoạn khác. Ngoài ra còn phải thực hiện cải tiến quy trình sản xuất và lắp đặt hệ thống thẩm định giảm phát thải - MRV. Nếu nông dân sạ lúa từ 120-150kg giống/ha giảm xuống 80kg giống/ha, quản lý nước trên ruộng bằng hệ thống đo mực nước đến khi nào mực thủy cấp âm 15-19cm mới tiếp tục bơm nước (như vậy giảm từ 2-3 lần bơm nước /vụ).

Trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, biện pháp ngập khô xen kẽ và lấy rơm ra khỏi đồng ruộng là 2 giai đoạn có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon hơn các giai đoạn khác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, biện pháp ngập khô xen kẽ và lấy rơm ra khỏi đồng ruộng là 2 giai đoạn có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon hơn các giai đoạn khác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với sản xuất lúa, hay trồng dừa ở ĐBSCL muốn có tín chỉ carbon bán ra, người nông dân phải thay đổi thói quen canh tác như tưới ngập khô xen kẽ, thay vì bơm nước ngập mặt ruộng thường xuyên, sạ cụm thay vì sạ lan, gom rơm rạ sau khi thu hoạch để giảm thải khí độc ra môi trường. 

Biện pháp này giúp mặt ruộng khô nứt làm giảm quá trình sản sinh ra khí Metan (CH4) trong canh tác lúa, quản lý rơm rạ bằng cách không đốt đồng, lấy rơm ra để trồng nấm, ủ phân compost và thay đổi cách quản lý rơm rạ như dùng vi sinh phân hủy… Tiếp đó là thuê công ty thẩm định và chứng nhận quy trình và số lượng phát thải nhà kính giảm và cấp chứng nhận về tín chỉ carbon. Lúc này các doanh nghiệp và nông dân tham gia, có thể bán tín chỉ carbon và thu tiền về.

Hiện có ý kiến cho rằng, sắp tới nông dân trồng lúa chỉ cần “mắc võng ngủ” cũng có tiền bán tín chỉ carbon. Vậy có đúng không, thưa ông?

Không có chuyện “làm chơi ăn thật” như vậy đâu. Như tôi đã nói ở trên, phải có dự án được duyệt, những cam kết trong dự án phải được nông dân thực hiện nghiêm túc và phải có nhật ký giảm phát thải. Nếu người nông dân không hiểu và thực hành đúng những công đoạn trên thì lượng giảm thải carbon không đạt như cam kết ban đầu, số tín chỉ carbon thu được cũng không lớn, hiệu quả kinh tế không cao. Làm mà không tới nơi tới chốn có khi còn lỗ chi phí tư vấn và ảnh hưởng đến những dự án khác tại Việt Nam. 

Còn về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL được Ngân hàng Thế giới cho vay 400 triệu USD để thực hiện. Đây cũng là một dự án đầu tư, nếu không có hiệu quả cũng sẽ lỗ lã. Vì vậy, khu vực thực hiện dự án phải có diện tích lớn, dễ làm để mức đầu tư thấp mà thu được lượng tín chỉ carbon nhiều. Trong đó, những công đoạn giảm phát thải lớn sẽ được ưu tiên trước, như tưới ngập khô xen kẽ, thu rơm rạ sau khi thu hoạch lúa và giảm lượng lúa gieo sạ ban đầu. Đây không phải là dự án xóa đói giảm nghèo, cũng không phải là dự án giúp cho một huyện nào đó hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà là một dự án về kinh tế có chiến lược lâu dài. 

Xin cảm ơn ông!                                                                              

(Thực hiện)

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm