Cà Mau đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững.
Cà Mau phát triển nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vũng
Cà Mau là một trong những vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích hơn 5.200km². Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm trên 300.000ha (nuôi tôm chiếm trên 280.000ha, sản lượng đạt hơn 200.000 tấn/năm). Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nông dân và các doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: Nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình Biofloc, Semi-Biofloc cho ao nuôi trải bạt; quy trình công nghệ nuôi tôm 02 giai đoạn, 03 giai đoạn; quy trình nuôi tôm tuần hoàn khép kín…
Ông HUỲNH THÁI NGUYÊN - Xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau: “Qua 2 vụ nuôi thì mình thấy mô hình nuôi tuần hoàn không xả thải thì chi phí thấp hơn 30% so với cách nuôi thông thường. Sản lượng thì cũng tăng lên 20%.
Ông LÊ ANH XUÂN – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh: “Đầu tiên mô hình đưa vào cuộc sống là phải giảm rủi ro và khi áp dụng mô hình lọc tuần hoàn nước thì tính ra việc tái sử dụng nước lại nó rất rẻ.”
Nhằm phát triển nuôi tôm công nghệ cao, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu từng bước tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản.