Cả nước có hơn 3.600 mã số vùng trồng rau, củ quả. Sắp diễn ra Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên 2022. Trái cau được giá nhưng người dân không nên trồng ồ ạt. Doanh nghiệp cà phê đặt kế hoạch doanh thu cao, nhưng lợi nhuận thấp.
CẢ NƯỚC CÓ HƠN 3.600 MÃ SỐ VÙNG TRỒNG RAU, CỦ QUẢ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 3.646 mã số vùng trồng rau, củ quả với diện tích 197.000 ha ở 50 tỉnh, thành phố; 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu. Sản lượng và chất lượng các sản phẩm từ các mã số vùng trồng đều đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, cả nước có gần 2.000 vùng trồng được cấp mã số. Một số loại sản phẩm như thanh long, số lượng vùng trồng là 247 mã số, chiếm 85,6% tổng diện tích gieo trồng, xoài là 272 mã số, mít là 174 mã số, vải là 225 mã số.
SẮP DIỄN RA HỘI NGHỊ XÚC TIẾN TIÊU THỤ NHÃN VÀ NÔNG SẢN HƯNG YÊN 2022
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên 2022 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/7 tới, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu trong nước và quốc tế.Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) sẽ phối hợp với các Vụ thị trường ngoài nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia... hỗ trợ tổ chức các điểm cầu và mời lãnh đạo các cơ quan quản lý thương mại, hiệp hội, ngành hàng, tập đoàn bán lẻ và doanh nhân nhập khẩu nông sản của nước sở tại tham dự Hội nghị để kết nối giao thương.Trong năm 2021, Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ Nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên đã được kết nối với 12 điểm cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước, 60 điểm cầu tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng trăm điểm cầu liên kết khác trong và ngoài nước.
TRÁI CAU ĐƯỢC GIÁ NHƯNG NGƯỜI DÂN KHÔNG NÊN TRỒNG Ồ ẠT
Hiện nay, trái cau tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đang được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá cau đang được nông dân bán cho thương lái và các cơ sở thu mua ở mức 20.000-30.000 đồng/kg. So với thời điểm cách đây hơn 1 tháng, giá cau giảm khoảng 5.000-10.000 đồng/kg do nhiều nơi bước vào mùa thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, giá bán cau giống cũng ở mức khá cao, từ 5.000-10.000 đồng/cây.Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đầu ra trái cau xuất khẩu đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhưng thị trường này thường xuyên ngưng nhập khẩu cau, người dân cần thận trọng, không nên ồ ạt trồng loại cây này nếu chưa có đầu ra ổn định.
DOANH NGHIỆP CÀ PHÊ ĐẶT KẾ HOẠCH DOANH THU CAO, NHƯNG LỢI NHUẬN THẤP
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt giá trị trên 2 tỷ USD, với gần 1 triệu tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng hơn 50% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.Giá xuất khẩu cà phê các doanh nghiệp ký được trong nửa đầu năm nay đạt trung bình trên 2.250 USD/tấn, tăng thêm 40% so với giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm ngoái.Tuy vậy, chi phí phân bón chiếm tới 50% trong giá thành sản xuất cà phê. Trước lo ngại chi phí có thể “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp, hầu hết các công ty trồng và chế biến cà phê niêm yết trên sàn chứng khoán còn lại đều đặt kế hoạch doanh thu cao, nhưng lợi nhuận thấp.