Cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 50% hoạt động tàu cá. Lai Châu: Sạt lở khu du lịch Cầu kính Rồng Mây. Mô hình kinh tế 3 tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trồng nhãn Ido cho lợi nhuận 200 – 400 triệu đồng/ha/vụ.
Cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 50% hoạt động tàu cá
Sau gần 7 năm thực hiện nhiệm vụ gỡ Thẻ vàng của Ủy ban Châu âu, đến nay đã thống kê cơ bản, nắm bắt được tổng số đội tàu cá. Cả nước hiện có hơn 86.800 tàu cá, số lượng tàu cá từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 98,25%. Công tác xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU có sự chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc vi phạm đã được xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành được việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặp thiết bị VMS (Vi – Em – S) và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 50% hoạt động của tàu cá. Tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động sai vùng vẫn xảy ra, chất lượng nhật ký hầu hết chưa đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ hoạt động tàu cá xuất, nhập bến, ra vào cảng, xử lý vi phạm khai thác IUU, đảm bảo đồng bộ từ trung ướng và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.
LaiChâu: Sạt lở khu du lịch Cầu kính Rồng mây
Đăng Hải - Sx
Khảng 5 giờ sáng nay (25/6), mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở vị trí chân cầu độc mộc tại Khu du lịch Cầu kính Rồng mây thuộc địa phận xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu). Một số xe máy đã bị trượt trôi theo vị trí sạt lở, đồng thời làm hư hại một số công trình phụ trợ. Rất may, sự việc xảy ra vào sáng sớm nên không có thiệt hại về người. Thời điểm này cũng chưa có du khách đến tham quan, vãn cảnh.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Sơn Bình đã yêu cầu đơn vị quản lý dừng đón khách và khắc phục điểm sạt lở. Dự kiến việc khắc phục sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày.
Mô hình kinh tế 3 tầng thích ứng với biến đổi khí hậu
Văn Vũ - Sx
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, cùng với một số mô hình như lúa-tôm, trồng xen canh cây ăn quả, rau màu, nuôi cá nước ngọt..., mô hình kinh tế 3 tầng sinh thái dứa, cau, dừa ở địa phương này đã cho hiệu quả kinh tế bền vững và được đánh giá có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, cây dứa thấp nên trồng tầng dưới cùng, tầng giữa là dừa và trên cùng là cây cau. Tận dụng bóng mát từ cây dừa, cây cau giúp trái dứa ít bị cháy nắng, da đẹp, trái có hình dạng cân đối, không bị nhọn đầu nên bán được giá. Với việc trồng xen canh này, chủ vườn có thể vừa lấy ngắn nuôi dài, thu hoạch nhiều sản phẩm trên cùng diện tích đất.
Riêng cây dứa đã có thương hiệu dứa Tắc Cậu nổi tiếng trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có hơn 7.000 ha áp dụng mô hình kinh tế 3 tầng, tập trung ở một số huyện như: Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Kiên Lương.
HTX nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ có 29 thành viên trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích đất sản xuất gần 23 ha, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 450 - 500 tấn nhãn. Với giá bán từ 15.000 – 25.000 đồng/kg như hiện nay thì mỗi ha có thể cho các xã viên lợi nhuận từ 200 – 400 triệu đồng/ha/vụ. Năm 2023, nhãn Ido của HTX Nhãn Nhơn Nghĩa được UBND TP Cần Thơ công nhận là sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Hiện, huyện Phong Điền có hơn 3.000 ha trồng nhãn theo hướng VietGAP và hữu cơ. Ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học và giảm dần sử dụng phân bón hóa học nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí cũng như an toàn cho người sử dụng.