Tổng cục Hải quan yêu cầu ngăn chặn nhập khẩu tôm hùm đất. Giá cà phê giữ ở mức 121.600 đồng/kg. 5 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 779 triệu USD nhập khẩu lúa mì. Nông dân Đắk Nông sản xuất sầu riêng sạch để giữ thị trường.
Tổng cục Hải Quan yêu cầu ngăn chặn nhập khẩu tôm hùm đất
Minh Phúc khai thác
Theo Tổng cục Hải quan, Luật Đa dạng sinh học số 20 quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.
Còn theo Bộ Tài nguyên môi trường thì tôm hùm đất thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan, đội kiểm soát hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.
Giá cà phê giữ ở mức 121.600 đồng/kg
Minh Phúc khai thác
Giá cà phê trong nước ngày hôm nay trong khoảng 120.500 - 121.600 đồng/kg. Dự báo nhu cầu cà phê ở trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, cùng với đó, cước vận tải biển và mặt bằng hàng hóa tăng sẽ kéo giá cà phê lên.
Cụ thể, cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai là 121.500 đồng. Tại tỉnh Lâm Đồng, cà phê được thu mua với giá 120.500 đồng/kg.
Nguồn cung khan hiếm và tình trạng tắc nghẽn cảng biển đang lan rộng tại khu vực châu Á khiến giá cước tàu biển trên các tuyến đi Mỹ và châu Âu tăng vọt và lượng lớn hàng hoá bị kẹt tại các cảng. Điều này có thể gây ra tình trạng đứt gãy nguồn cung cà phê tạm thời, đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới neo ở mức cao.
5 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 779 triệu USD nhập khẩu lúa mì
Minh Phúc khai thác
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 2,83 triệu tấn, tương đương hơn 779 triệu USD, tăng gần 40% về khối lượng, tăng 3,6% về kim ngạch so với 5 tháng đầu năm 2023.
Việt Nam gần như không trồng được lúa mì. Còn bắp và đậu nành tuy có trồng được nhưng giá thành cao, cạnh tranh kém hơn so với hàng nhập khẩu. Trong năm 2023, Việt Nam chi 1,55 tỷ USD để nhập khẩu lúa mì với hơn 4,6 triệu tấn, tăng 19,7% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với năm 2022.
Nông dân Đắk Nông sản xuất sầu riêng sạch để giữ thị trường
Minh Phúc khai thác
Nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở Đắk Nông đã tuân thủ quy trình sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng để giữ sự ổn định trên thị trường xuất khẩu. Nhiều hộ đã chuyển từ trồng xen canh nhiều loại cây trồng sang trồng chuyên canh cây sầu riêng để dễ dàng quản lý vườn. Đặc biệt, chủ vườn dùng biện pháp sinh học, bón phân hữu cơ, vi sinh cho cây trồng và sử dụng biện pháp sinh học để quản lý dịch hại.
Hiện nay, không riêng gì Trung Quốc mà các nước ở châu Âu, Canada, một số nước có người châu Á cũng nhập số lượng lớn sầu riêng cấp đông của Việt Nam. Do đó, để sầu riêng đạt chất lượng, khâu quan trọng nhất là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.