Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải có giấy phép môi trường. Theo chủ các cơ sở, việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải để được cấp giấy phép khó một thì quá trình vận hành, duy trì giấy phép khó mười.
Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải có giấy phép môi trường. Theo chủ các cơ sở, việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải để được cấp giấy phép mất nhiều thời gian và nguồn lực.
Trung tâm sản xuất lợn giống Mitraco tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco là một trong hai đơn vị đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép môi trường. Để sở hữu tấm “lệnh bài” bảo vệ an toàn cho khu vực chăn nuôi của trang trại và môi trường xung quanh, trong thời gian 3 năm, Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco đã đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, trang trại này còn điều chỉnh lại quy hoạch khớp với thực tế, từ hồ xử lý nước thải, bể chứa, chuồng nuôi lợn. Tất cả các hạng mục ở vị trí nào, khoảng cách bao nhiêu đều đảm bảo đúng quy hoạch 100%.
Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty cổ phần chăn nuôi mitraco, các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong Giấy phép môi trường cao hơn nhiều so với ĐTM hay cam kết bảo vệ môi trường trước đây. Vì vậy việc hoàn thành các hạng mục quy định để được cấp giấy phép môi trường là vô cùng khó khăn.
Phỏng vấn ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc Cty Cổ phần chăn nuôi Mitraco:
Là DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi đặc thù, đã được UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường, đó là quá trình hết sức khó khăn. Chúng tôi đã đầu tư nguồn lực thích đáng cho công tác tìm hiểu công nghệ xử lý nước thải và đầu tư hệ thống hạng mục công trình môi trường và tạo môi trường làm việc tốt xung quanh đơn vị.
Chúng tôi xác định là một trong những đơn vị đầu tiên của Hà Tĩnh được cấp giấy phép môi trường việc đạt được khó khăn rồi nhưng việc vận hành theo các quy định ghi lại trong giấy phép môi trường khó khăn hơn. Vì vậy Cty chúng tôi tiếp tục tạo nguồn lực, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc vận hành các công trình môi trường và thực hiện các quy định ghi rõ trong giấy phép, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh cũng như gắn với bảo vệ môi trường bền vững thời gian tới.
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành, các Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Bảo vệ môi trường đã đi vào vận hành chính thức phải có giấy phép môi trường.
Tuy nhiên hiện nay tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt giấy phép môi trường cho các trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi vào hoạt động còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do hiện trạng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường tại các Cơ sở hầu như chưa đảm bảo về chất lượng, cần phải xây dựng bổ sung hoặc cải tạo đảm bảo theo quy định, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Tại các Cơ sở hầu như không có nhân viên phụ trách môi trường mà chỉ là các cán bộ hành chính kiêm nhiệm nên việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục tại các cơ sở chăn nuôi còn chậm. Ngoài ra, ý thức thực hiện hồ sơ, thủ tục về môi trường đảm bảo theo quy định của một số chủ cơ sở chưa cao, mặc dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn.
Sở TN-MT đã có 1 văn bản mới đây số 1088, ngày 24/3/2023 là thống kê tất cả các đơn vị thuộc diện đánh giá tác động môi trường của cấp tỉnh để gửi sở ban ngành, địa phương, trong đó có các cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở đó chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, nhắc nhở các địa phương trong vai trò cấp tỉnh thì sở TN-MT tham mưu, cấp huyện là phòng TN-MT tham mưu để tất cả các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong vòng 36 tháng từ khi luật có hiệu lực phải thực hiện cấp giấy phép môi trường.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 234 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa; trong đó có 221 trang trại chăn nuôi lợn; 10 trang trại chăn nuôi gia cầm; 3 trang trại chăn nuôi bò và 12 nghìn cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Theo quy định, các cơ sở thuộc đối tượng phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường/Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của UBND tỉnh có 86 trang trại chăn nuôi và 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường bằng hình thức thanh tra, kiểm tra hoặc tham mưu văn bản chỉ đạo, đôn đốc đối với các trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về các văn bản pháp lý trong quản lý bảo vệ môi trường cho các cán bộ địa phương cũng như các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Hướng dẫn thực hiện đúng, đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về môi trường tại các cơ sở. Đặc biệt, phấn đấu tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung phải đảm bảo có ít nhất một cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường.