| Hotline: 0983.970.780

Sửa quy định nuôi 100 con bò phải có giấy phép môi trường

Thứ Ba 16/05/2023 , 06:10 (GMT+7)

Phải có giấy phép môi trường khi nuôi 100 con trâu, bò hay giết mổ từ 10 con lợn, 100 con gà trở lên đang được Bộ TN-MT lấy ý kiến sửa đổi.

Một trang trại nuôi bò thịt tuần hoàn khép kín tại tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Một trang trại nuôi bò thịt tuần hoàn khép kín tại tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có văn bản số 3016 gửi UBND các tỉnh/thành phố lấy ý kiến sửa đổi một số điều Nghị định 08 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường.

Nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hướng sửa đổi sẽ là tăng thẩm quyền cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý môi trường các dự án này.

Một trong hai loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sửa đổi trong Nghị định là chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp.

Cụ thể, với chăn nuôi gia súc, sẽ sửa đổi theo hướng: Dự án công suất nhỏ dự kiến có quy mô 10 - 300 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 10 - 100 đơn vị vật nuôi). Công suất trung bình sẽ từ 300 - 3.000 đơn vị vật nuôi (quy định hiện tại là 100 - 1.000 đơn vị vật nuôi), công suất lớn là từ 3.000 đơn vị vật nuôi trở lên.

Theo quy định của Nghị định 08, dự án có quy mô công suất nhỏ sẽ do UBND huyện cấp phép môi trường. Dự án công suất trung bình do UBND tỉnh cấp phép môi trường và dự án công suất lớn sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Theo các chuyên gia, Nghị định 08 có nhiều quy định bất cập liên quan đến quản lý môi trường ngành chăn nuôi, giết mổ gia súc. Vì vậy, việc sửa đổi nghị định 08 như trên sẽ tăng thầm quyền của địa phương trong cấp phép, quản lý bảo vệ môi trường các dự án.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi được thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các địa phương và thực hiện Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các bộ cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương giải quyết thủ tục hành chính.

Nghị định 08 có hiệu lực từ 10/1/2022. Những bất cập của Nghị định 08 như giết mổ từ 10 con lợn hay từ 100 con gà, hoặc nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên phải được UBND huyện cấp giấy phép môi trường.

Quy định này được ví tương đương việc đầu tư một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1.000 tấn/năm, hay quy định nuôi từ 100 con trâu, bò ở vùng nhạy cảm cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Việc sửa đổi Nghị định 08 giúp tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi trong việc thực thi các quy định pháp luật về môi trường quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc sửa đổi Nghị định 08 giúp tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi trong việc thực thi các quy định pháp luật về môi trường quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Nghị định 08/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường quy định ngành chế biến thủy hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (phụ lục II), xếp chung với các ngành tái chế, xử lý chất thải nguy hại; sản xuất xi măng, pin, ắc quy...

Việc giết mổ gia súc quy mô từ 10 đến dưới 100 con/ngày, giết mổ gia cầm từ 100 - 1.000 con/ngày được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ, tương đương nhà máy sản xuất bia, nước giải khát có công suất từ 50.000 đến dưới 1 triệu lít sản phẩm/năm hay một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 100 đến dưới 1.000 tấn/năm.

Với quy định này, việc giết mổ từ 10 con lợn hay từ 100 con gà trở lên phải làm giấy phép môi trường do UBND cấp huyện thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.

Nếu dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường như nội thành, nội thị… bị xếp vào nhóm II - Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường với quy định làm giấy phép môi trường do UBND tỉnh cấp phép. Trong đó, phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường như có công trình, biện pháp thu gom nước thải, có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường.

Nghị định cũng quy định, giết mổ từ 100 con lợn hoặc từ 1000 con gà được xếp vào nhóm gây ô nhiễm môi trường công suất trung bình, tương đương nhà máy sản xuất bia, nước giải khát từ 1-30 triệu lít/năm hay một nhà máy chế biến thủy, hải sản công suất từ 1.000 - 20.000 tấn sản phẩm/năm.

Với quy định này, việc cấp giấy phép môi trường sẽ do UBND tỉnh cấp. Đặc biệt, nếu có yếu tố nhạy cảm đến môi trường như nội thành, nội thị… bị xếp vào dự án đầu tư nhóm I, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.