Cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc còn nhiều khó khăn. 7 ngành hàng kiến nghị lùi ngày thu phí cảng biển tại TP.HCM. Nông dân trồng dưa hấu lỗ nặng. Mít Thái bất ngờ tăng lên 20.000 đồng/kg.
CẤP MÃ XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, đến thời điểm hiện tại, mới có 1.656 doanh nghiệp Việt Nam được cấp mã số để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo lệnh 248 và 249.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, việc cấp mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc còn chậm do thời gian qua tồn tại một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cùng với đó, việc phê duyệt mã sản phẩm của hải quan nước bạn tiến độ chậm, chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký.
Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc cũng như phối hợp với Bộ Công Thương, Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình đăng ký trên cổng thông tin điện tử một cửa Hải quan Trung Quốc, đặc biệt là việc cấp mã số doanh nghiệp cho những mặt hàng có nguồn gốc thực vật.
7 NGÀNH HÀNG KIẾN NGHỊ LÙI NGÀY THU PHÍ CẢNG BIỂN TẠI TP. HCM
Thay vì thu phí cảng biển từ 1/4, 7 hiệp hội ngành hàng vừa cùng kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ và UBND TP. HCM lùi thời điểm thu phí đến hết 31/12 nhằm giúp doanh nghiệp tránh rơi vào khó khăn tài chính.
Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh thành phố đang vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 16/2 đến hết ngày 15/3, nhằm chuẩn bị cho thu phí chính thức từ 1/4.
Trong khi nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh, nhưng vẫn phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... do không xuất khẩu, bán được hàng.
Ngoài đề xuất lùi thời gian triển khai, các hiệp hội cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc thu phí của TP HCM. Trong đó, mức phí áp dụng được cho là chưa công bằng, phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện.
NÔNG DÂN TRỒNG DƯA HẤU LỖ NẶNG
Hiện các tỉnh tại khu vực Tây Nguyên và phía Nam như: Gia Lai, Kom Tum, Bình thuận đang vào vụ thu hoạch dưa hấu nhưng giá đang xuống thấp, chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg khiến nhiều nhà vườn đang có nguy cơ thua lỗ nặng.
Theo các nhà vườn, Trước Tết Nguyên đán, giá dưa hấu vẫn còn dao động khoảng 180-200 triệu đồng/ha. Sau Tết, dưa bắt đầu rớt giá thê thảm, xuống 100 triệu đồng/ha và hiện chỉ còn 60 triệu đồng/ha nhưng vẫn không có thương lái tới mua. Nguyên nhân chính do việc thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc hiện nay gần như đóng băng hoặc rất nhỏ giọt do chính sách zezo Covid của nước bạn.
MÍT THÁI BẤT NGỜ TĂNG LÊN 20.000 ĐỒNG/KG
Tại ĐBSCL, giá mít Thái ngày 3/3 tăng mạnh từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Trong 3 ngày qua giá mít Thái tăng liên tục từ 7.000 -11.000 đồng/kg.
Cụ thể, mít Kem lớn giá 20.000 - 21.000 đồng/kg, mít kem nhỏ 9.000 - 11.000 đồng/kg. Tùy vào từng vựa, khu vực sẽ có mức chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Hiện mít Thái đang vào cuối vụ, nguồn cung ít đã đẩy giá mặt hàng này tăng cao, bất chấp tình hình ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.