| Hotline: 0983.970.780

Sa Pa nhắm mục tiêu vùng cây dược liệu lớn

Thứ Ba 23/08/2022 , 07:48 (GMT+7)

LÀO CAI Năm 2022, Thị xã Sa Pa (Lào Cai) trồng cây dược liệu vượt 40% kế hoạch diện tích. Sa Pa đang hướng tới mục tiêu là vùng dược liệu trọng điểm của Lào Cai.

Thị xã Sa Pa hiện có 210ha cây dược liệu, gồm: Actiso, sa nhân tím, đương quy, tía tô, chè dây và các loại cây dược liệu dùng chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ. Đã có hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu; doanh thu từ cây dược liệu đạt hơn 30 tỷ đồng/năm.

Cây dược liệu là 1 trong 5 cây trồng chủ lực phát triển của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2022 - 2025, là một trong những cây trồng có thế mạnh của Thị xã Sa Pa. Với những tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây trồng dược liệu, Thị xã đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phấn đấu đến năm 2025, Sa Pa trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai.

Các lãnh đạo cùng người dân phường Hàm Rồng trồng cây dược liệu

Lãnh đạo cùng người dân phường Hàm Rồng (Thị xã Sa Pa) ra quân trồng cây dược liệu năm 2022. Ảnh: Lưu Hòa.

Do đặc điểm lợi thế về địa chất, khí hậu nên cây dược liệu trồng tại Sa Pa có chất lượng tốt và hàm lượng dược tính cao hơn so với các địa phương khác. Các sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây dược liệu trên địa bàn Thị xã được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng như: Cao mềm actiso, trà phun sương actiso, cao phun sương actiso, trà túi lọc - trà dây leo Sa Pa, trà túi lọc giảo cổ lam, trà giảo cổ lam Sa Pa…

Bên cạnh những điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn Thị xã Sa Pa còn gặp nhiều khó khăn như: Diện tích đất chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt mạnh nên việc mở rộng diện tích trồng tập trung gặp nhiều bất lợi. Hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác sản xuất còn ít nên việc sản xuất, chế biến cây dược liệu gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Đầu ra của một số cây dược liệu chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chi phí sản xuất cây dược liệu cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống khác. Các sản phẩm dược liệu chủ yếu là bán tươi hoặc chế biến thô rồi xuất bán nên giá trị kinh tế chưa cao. Dược liệu được thu hái và sản xuất chủ yếu bằng kinh nghiệm bản địa, chưa cập nhật, phổ biến theo các quy chuẩn, quy định trong nước và thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP)…

sp1

Thị xã Sa Pa đang dành nhiều chính sách, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất cây dược liệu của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Lưu Hòa.

Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, Sa Pa phấn đấu đến hết năm 2025 trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai. Để đạt được mục tiêu trên, Thị xã Sa Pa đã có những giải pháp cụ thể như: Tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây chủ lực của tỉnh và phù hợp với tiềm năng của địa phương.

Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sơ chế, chế biến sâu, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho người sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, gắn việc trồng cây dược liệu với sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của người dân.

Sa Pa cũng sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản dược liệu cho các hộ dân trực tiếp gieo trồng cây dược liệu cũng như sản xuất các sản phẩm dược liệu nhằm trang bị kiến thức cơ bản về công tác trồng cây dược liệu an toàn, đúng quy trình...

Trên địa bàn Thị xã Sa Pa hiện có 6 công ty, HTX đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dược liệu, với công suất chế biến 5.800 tấn dược liệu tươi/năm, có hơn 100 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ cây dược liệu, tạo thu nhập rất lớn cho bà con và các doanh nghiệp, HTX. Giá trị sản xuất dược liệu/ha đạt trên 100 triệu đồng. Doanh thu từ cây dược liệu trên địa bàn Thị xã đạt hơn 30 tỷ đồng/năm. Năm 2022, Thị xã Sa Pa được UBND tỉnh giao trồng 180ha cây dược liệu, đến nay đã đạt 210ha (vượt 40% kế hoạch).

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.