Chăn nuôi heo công nghiệp có thể đạt quy mô 10 triệu con. Khởi công dự án cao tốc không thu phí ở Đồng Tháp. Vườn sầu riêng đầu tiên ở Chơn Thành có mã vùng trồng.
Chăn nuôi heo công nghiệp có thể đạt quy mô 10 triệu con
So với đầu tuần, giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg. Hiện, thị phần chăn nuôi heo theo quy mô nông hộ đã thu hẹp dần. Trước đây, tỷ trọng chăn nuôi heo nông hộ chiếm tới 70% nguồn cung thịt heo tuy nhiên con số này giảm xuống còn khoảng 50%. Theo một số doanh nghiệp lớn trong ngành, trong tương lai, tỷ trọng này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 20 - 30%. Đây là cơ hội cho chăn nuôi công nghiệp phát triển. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam cho biết: Không chỉ BaF Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tận dụng làn sóng này để giành giật thị phần. Trong kịch bản tỷ trọng các hộ nuôi nhỏ lẻ giảm về 30% thì dư địa để các doanh nghiệp mở rộng thêm đàn tương đương với khoảng 10 triệu con.
Hà Nội: Khởi công dự án đường Vành đai 4
Sáng 25/6, Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô tổ chức khởi công Dự án tại 4 huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì thành phố Hà Nội. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, sẽ tạo ra vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội với các địa phương khác trong vùng. Với tổng mức đầu tư trên 85.000 tỷ đồng, dài hơn 110km đi qua thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, dự án sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có. Dự kiến vào năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Khởi công dự án cao tốc không thu phí ở Đồng Tháp
Cũng trong sáng nay, UBND Đồng Tháp phối hợp với Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ khởi công cao tốc Cao Lãnh – An Hữu tại nút giao với đường tỉnh 850 (Khu Du lịch Xẻo Quít), thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1, điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối Giao với tuyến cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Trong giai đoạn 1 có tổng chiều dài 16km đi qua huyện Cao Lãnh có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Hiện tại, trên 94ha diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho dự án, đạt tỷ lệ 93%. Cùng với đó, 14 gói thầu về tư vấn, bảo hiểm, rà phá bom mìn và xây lắp đã hoàn thành. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tuyến cao tốc sẽ không thu phí để phục vụ nhân dân, qua đó góp phần đưa Đồng Tháp từ một địa phương “khuất nẻo” trở thành địa phương có lợi thế, kết nối 3 trung tâm lớn: TP.HCM, TP Cần Thơ và TP Nôngpenh - Campuchia.
Vườn sầu riêng đầu tiên ở Chơn Thành có mã vùng trồng
Vườn sầu riêng 6 năm tuổi có diện tích gần 12ha của HTX Cây ăn trái Minh Thắng, xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước vừa được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với định hướng ban đầu là canh tác hướng hữu cơ, nên ngay từ đầu các xã viên đã áp dụng đúng quy trình canh tác. Từ quy cách trồng, chăm sóc đến sử dụng các chế phẩm phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Vì thế, ngay vụ thu hoạch đầu tiên, vườn sầu riêng đã được Tổng cục hải quan Trung Quốc phê duyệt, cấp mã vùng trồng, sau một loạt các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Theo ông Trần Hữu Tài, Giám đốc HTX cây ăn trái Minh Thắng, do mới thu hoạch vụ đầu tiên, nên sản lượng sầu riêng chưa cao, trung bình 1ha đạt khoảng 20 tấn trái, với giá bán 70 ngàn/1kg tại vườn, trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/ha. Hiện toàn bộ diện tích sầu riêng của HTX đã được 1 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc.