Việt Nam không còn hiện tượng phá rừng trồng cà phê. Thanh Hóa có gần 1.000 công trình thủy lợi bị hư hỏng. Hơn 1.000ha sầu riêng Bình Phước có mã số vùng trồng. Hơn 26.000 người tham gia Lễ hội trái cây Long Khánh.
Việt Nam không còn hiện tượng phá rừng trồng cà phê
Ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua quy định cấm nhập khẩu vào thị trường EU những mặt hàng nông sản gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ. Mục tiêu của EU là nhằm hạn chế tiêu dùng và sản xuất một số loại nông sản liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Việt Nam kiểm soát rất tốt việc phá rừng lấy đất sản xuất, trong đó cócà phê. Từ những năm gần đây, Việt Nam đã không còn hiện tượng này. Do đó, Việt Nam sẽ không rơi vào nhóm có nguy cơ. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp sản xuất, EU cũng chia ra theo quy mô lớn, vừa và nhỏ tương ứng với tần suất kiểm tra. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên sẽ thuộc các quốc gia có tần suất kiểm tra thấp và mức độ yêu cầu sẽ không cao như đối với các doanh nghiệp lớn từ những nước có tần suất kiểm tra cao.
Thanh Hóa có gần 1000 công trình thủy lợi bị hư hỏng
Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, toàn tỉnh có 964 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục. Trong đó: Hồ chứa là 169 công trình; đập dâng là 154 công trình; trạm bơm là 237 công trình; còn lại là kênh, cống tưới, tiêu và công trình khác. Để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đảm bảo vượt lũ, chống lũ an toàn và sớm đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất; Chủ động gia cố, sửa chữa các công trình hư hỏng, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Hơn 1000 ha sầu riêng Bình Phước có mã số vùng trồng
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, sầu riêng Bình Phước có năng suất xuất và sản lượng cao, phẩm chất tốt. Đây cũng là cây trồng chủ lực của địa phương này. Hiện tổng diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt trên 5.200 ha, trong đó hơn 50% diện tích đang trong độ tuổi thu hoạch. Sau khi có nghị định thư, Bình Phước đã xây được 17 mã số vùng trồng và 1 mã số đóng gói với tổng diện tích trên 1000 ha. Ông Trần Văn Phương PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, tuy Bình Phước phát triển cây sầu riêng chậm hơn so với các tỉnh thành trong khu vực nhưng nhờ đúc kết kinh nghiệm, sầu riêng địa phương đã và đang khẳng định được vị thế.
Hơn 26.000 người tham gia Lễ hội trái cây Long Khánh
Ngày 24/6, Ban Tổ chức Lễ hội trái cây Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong 9 ngày diễn ra, sự kiện đã thu hút hơn 26 nghìn lượt người dân, du khách tham gia. Toàn tỉnh Đồng Nai đang có hơn 76 nghìn ha diện tích trồng cây ăn trái, trong đó hơn 300 vùng sản xuất tập trung với nhiều loại trái cây đặc sản, như: chôm chôm, sầu riêng, xoài… Thành phố Long Khánh từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại trái cây ngon nức tiếng vùng Đông Nam Bộ. Do đó, việc Lễ hội trái cây Long Khánh được tổ chức hằng năm không chỉ quảng bá, nâng tầm thương hiệu trái cây địa phương mà còn góp phần quảng bá du lịch Đồng Nai đến người dân, du khách trong và ngoài nước.