Chia ngọt sẻ bùi với hơn 100 bệnh nhân ung thư. Làng hương Quảng Phú Cầu nhộn nhịp dịp Tết. Làng rau sạch thu nhập 40 triệu đồng vụ Tết. Hà Nội chủ động 65% rau xanh đáp ứng thị trường Tết. Làng nghề đan cỏ bàng Giang Thành vào vụ Tết.
Chia ngọt sẻ bùi với hơn 100 bệnh nhân ung thư
Hùng Khang sx
Để tiếp thêm động lực hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị bệnh tại bệnh viện K- Cơ Sở Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Sáng ngày 6.2, Công đoàn Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet tiếp tục trao tặng 3.400 quả trứng cho hơn 100 bệnh nhân đang ở lại để điều trị tại bệnh viện K.
Vào những ngày cận Tết, những phần quà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa về tinh thần rất lớn, đây sẽ là nguồn động viên với các bệnh nhân có hoàn cảnh không may trong xã hội, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Từ những việc làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của Công ty Amavet cho thấy tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, đồng cảm với những mảnh đời khó khăn trong xã hội. Trước đó, Công đoàn Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng phối hợp với công ty Amavet trao tặng 8.000 quả trứng gà cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận ngõ số 121 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Làng hương Quảng Phú Cầu nhộn nhịp dịp Tết
Thảo Phương sx
Những ngày giáp Tết, làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) càng trở nên nhộn nhịp. Từng bó hương lớn được người thợ buộc lại phía chân, phần ngọn xòe ra để mau khô, trông tựa như một bó hoa mầu sắc. Nhờ nghề làm hương dịp Tết mà thu nhập của người dân cũng cao hơn so với những tháng khác trong năm. Vài năm trở lại đây, làng hương Quảng Phú Cầu tập trung phát triển cả du lịch và nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng, thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách, nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước.
Làng rau sạch thu nhập 40 triệu đồng vụ Tết
Tâm Phùng sx
Xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là một trong những vựa rau lớn của huyện Lệ Thủy. Hiện, toàn xã có trên 70% hộ dân trồng rau trên diện tích hơn 352 ha, chủ yếu là trồng su hào, mướp đắng, dưa chuột, rau mùi, ớt…
Từ trồng rau màu các loại, đời sống kinh tế của người dân ngày càng ổn định. Thời gian tới, chính quyền địa phương chỉ đạo người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau, trong đó chú trọng phát triển rau theo hướng hữu cơ, rau sạch. Hiện, toàn xã có 16 vườn mẫu được công nhận từ cấp huyện, tỉnh.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ rau màu trên thị trường tăng cao. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân xã Hồng Thủy đang tất bật chăm sóc, thu hoạch các loại rau màu để cung ứng phục vụ thị trường Tết. Trung bình mỗi vụ rau phục vụ Tết, mỗi hộ trồng đều có thu nhập từ 30-40 triệu đồng.
Hà Nội chủ động 65% rau xanh đáp ứng thị trường Tết
Thanh Thủy sx
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mặc dù thời tiết những ngày cuối năm diễn biến thất thường nhưng nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu thuận lợi. Nông dân đang tập trung thu hoạch rau, củ, quả... phục vụ tiêu dùng dịp Tết kết hợp trồng gối vụ, gieo lứa rau mới cho thị trường sau Tết.
Theo dự báo, trong các tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn Hà Nội khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng 15% so với tháng bình thường. Trong khi đó, Hà Nội chủ động được 65% sản phẩm rau, còn lại từ các tỉnh, thành phố lân cận mang về tiêu thụ tại Thủ đô.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vụ đông năm 2023-2024, Hà Nội gieo trồng hơn 28.512ha rau, đậu tương, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây và nhiều loại cây trồng khác. Nhìn chung, đến thời điểm này, toàn thành phố gieo trồng đúng kế hoạch, rau sinh trưởng, phát triển tốt.
Làng nghề đan cỏ bàn Giang Thành vào vụ Tết
Văn Vũ sx
Những ngày qua, trên địa bàng huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, nhiều cơ sở làm nghề đan cỏ bàng đang tất bật chuẩn bị hàng hóa để cung ứng cho khách hàng dịp tết.
Nghề đan đát cỏ bàng huyện vùng biên giới Giang Thành, có từ lâu đời, tập trung ở 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi với hàng chục cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, với rất nhiều loại sản phẩm như: Thùng, sọt, tụng, túi xách, giỏ xách, nón, túi thời trang, đồ gia dụng, trang trí nội thất… Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng đẹp mắt, phù hợp với thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Những sản phẩm mỹ nghệ từ cỏ bàng này xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Châu Âu… Nghề truyền thống đan đát cỏ bàng của huyện Giang Thành đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương vùng biên, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.