Biểu tình của nông dân lan rộng khắp châu Âu. Không khí lạnh tràn về đúng dịp Tết Nguyên đán. Đề án 1 triệu ha lúa: Kỳ vọng càng cao, áp lực càng lớn. Nông dân Trà Vinh trồng dừa hữu cơ.
Biểu tình của nông dân lan rộng khắp châu Âu
Minh Phúc khai thác
Biểu tìnhcủa nông dân diễn ra ở Pháp, Đức, Ba Lan, Romania, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ... trong những ngày gần đây để phản đối việc không được trả đủ lương, bị bóp nghẹt bởi các quy định bảo vệ môi trường và bị cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine cùng những quốc gia khác. Việc này được nhận định có nguy cơ trở thành biểu tình khủng hoảng kéo dài, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của "cựu Lục địa".
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, làm đảo lộn dòng chảy thương mại và làm tăng chi phí năng lượng, phân bón của nông dân ở nhiều nước EU. Nhập khẩu cũng là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, nơi làn sóng nông sản giá rẻ từ Ukraine đã làm gia tăng sự phẫn nộ về cạnh tranh không lành mạnh.
Không khí lạnh tràn về đúng dịp Tết Nguyên đán
Minh Phúc khai thác
Ngày 5/2, không khí lạnh cường độ yếu tác động khiến miền Bắc quay trở lại tình trạng mưa phùn, sương mù nhưng mức độ nhẹ hơn một tuần trước. Nắng ấm có thể xuất hiện nhưng tập trung về trưa và chiều, chủ yếu ở khu vực Tây Bắc.
Tại Hà Nội, ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng dịp cuối năm. Hiện tượng nồm ẩm cũng chưa thể chấm dứt khi độ ẩm vẫn ở ngưỡng rất cao, trên 90%.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tình trạng trên kéo dài đến hết ngày 7/2. Đến ngày 8/2 (tức 29 tháng Chạp), không khí lạnh được tăng cường mạnh khiến nền nhiệt giảm nhanh xuống mức thấp nhất 13-16 độ C, vùng núi 10-13 độ C, khu vực núi cao có nơi dưới 9 độ C.
Đề án 1 triệu ha lúa: Kỳ vọng càng cao, áp lực càng lớn
Văn vũ sx
Sáng ngày 5/2, tại TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030”. Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang cùng Bộ Trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để triển khai Đề án thành công thì cần sự nhất quán từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, HTX và người nông dân. Bên cạnh các chỉ tiêu từ năng suất, sản lượng thì đề án còn hướng tới thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, chuẩn hóa quá trình canh tác, chuẩn hóa quá trình thu hoạch và sau thu hoạch, chuẩn hóa mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, đề án đặt ra tăng trưởng đa giá trị gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi ngành hàng, khắc phục tính phân chia nhỏ lẻ trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL. Đề án sẽ giúp thu nhập người trồng lúa được cải thiện. Kỳ vọng càng cao, áp lực càng lớn. Đề án nhận được sự kỳ vọng của hàng triệu nông dân trồng lúa.
Nông dân Trà Vinh trồng dừa hữu cơ
Minh Phúc khai thác
Canh tác dừa theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu hoặc thu hoạch mật hoa dừa là sự chuyển đổi đầy triển vọng của nông dân trồng dừa ở Trà Vình. Giải pháp này vừa cải thiện kế sinh nhai, vừa bảo vệ môi trường, đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính…
Với diện tích dừa lên tới 23.698ha (khoảng 6,6 triệu cây dừa), Trà Vinh là tỉnh có diện tích cây dừa lớn thứ 2 ở Việt Nam (sau tỉnh Bến Tre). Năm 2023, trong khi dừa thông thường chỉ bán được với giá 5.000-6.000 đồng/trái, thì dừa có chứng nhận GlobalGAP được doanh nghiệp thu mua với giá 7.500-8.000 đồng/trái.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có 1.294ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu và chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).