Lực lượng Kiểm lâm huyện Văn Yên phối hợp với các tổ bảo vệ rừng cộng đồng tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế thực trạng xâm lấn rừng trồng quế.
Hạn chế thực trạng xâm lấn rừng trồng quế
Tổ bảo vệ rừng cộng đồng số 1 thôn Làng Chạng, xã Phong Dụ Thượng có 120 thành viên được giao quản lý, bảo vệ hơn 500 ha rừng. Để hoạt động hiệu quả, tổ bảo vệ rừng cộng đồng này đã chia thành các nhóm nhỏ từ 10 - 15 thành viên, xây dựng kế hoạch và phân công lịch đi tuần tra, kiểm tra diện tích rừng phụ trách. Đặc biệt sẽ tuần tra, kiểm soát thường xuyên các khu vực rừng giáp ranh với đồi quế của người dân để hạn chế việc xâm lấn đất rừng.
PB Anh HOÀNG VĂN HOAN, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 1 xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền bà con không được phát rừng, lấn chiếm để trồng quế dưới tán rừng. Tổ bảo vệ rừng cũng thường xuyên đi tuần tra để phát hiện xử lý các vụ việc xâm lấn rừng theo quy định pháp luật.”
Để hạn chế được tình trạng xâm lấn rừng, tổ quản lý rừng cộng đồng của thôn còn thường xuyên phối hợp hối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm tra các vị trí hay xảy ra xâm lấn, chú trọng việc tuyên truyền nhắc nhở nhân dân không xâm lấn đất rừng. Trong năm 2023 và 2024 này, lực lượng Kiểm lâm và các tổ bảo vệ rừng đã phát hiện 7 vụ xâm lấn rừng. Kịp thời lập biên bản, nhắc nhở và cưỡng chế nhổ bỏ những diện tích cây trồng xâm lấn vào diện tích rừng.
PB Ông BÙI VĂN TỬU, Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái: “Từ năm 2021, Nhà nước đã giao rừng cho các cộng đồng thôn bản, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền qua các buổi họp thôn để người dân hiểu được việc bảo vệ rừng là của toàn dân. Khi có các hành vi xâm lấn rừng thì ngoài việc xử lý thì người dân cũng đã nhổ bỏ các cây trồng xâm lần để trả lại đất rừng tái sinh.”
Xã Phong Dụ Thượng là xã có diện tích rừng lớn ở huyện Văn Yên, với gần 11.000 ha rừng tự nhiên, rừng trồng sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng được giao cho người dân ở 8 thôn bản trên địa bàn xã quản lý, bảo vệ. Mỗi năm, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ chi trả hơn 3 tỷ đồng cho các chủ rừng và các tổ bảo vệ rừng cộng đồng của xã.
Khác với phá rừng trái phép có thể nhận thấy ngay thì xâm lấn rừng được thực hiện trong thời gian dài bằng cách trồng các cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế (gỗ rừng trồng) dưới tán rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh trên một diện tích nhỏ và khi cây lớn người dân chặt bỏ dần các cây gỗ tầng trên, từ đó, đất trở thành đất canh tác trồng rừng của người dân. Chính vì vậy, việc tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm lấn đất rừng là việc làm cấp thiết để tránh mất rừng.