| Hotline: 0983.970.780

Rừng quế trên chiến khu xưa

Thứ Năm 31/12/2020 , 10:11 (GMT+7)

Rừng chiến khu Định Hóa (Thái Nguyên) bây giờ ngát lừng hương quế bởi một đề án đột phá nhằm giữ rừng và nâng cao thu nhập cho đồng bào nơi dẻo cao ATK.

Kiểm lâm viên địa bàn và cán bộ lâm nghiệp xã Trung Lương (Đinh Hóa) kiểm tra kỹ thuật trồng quế. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Kiểm lâm viên địa bàn và cán bộ lâm nghiệp xã Trung Lương (Đinh Hóa) kiểm tra kỹ thuật trồng quế. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Rừng xanh chiến khu

Nằm trong quần thể ATK, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có diện tích đất lâm nghiệp trên 30 nghìn ha, đã được quy hoạch 3 loại rừng. Những năm qua, huyện đã triển khai một số chính sách lâm nghiệp như Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của Chính phủ theo Quyết định 75/2015/NĐ-CP cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Xác định cây quế là loại cây lâm nghiệp chủ lực, phấn đấu đến năm 2030 diện tích quế đạt 10 nghìn ha, hàng năm toàn huyện trồng trên 500 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025.

Ông Trần Minh Hà (Trưởng BQL rừng ATK, kiêm Hạt trưởng Hạt quản lý rừng ATK Định Hóa) cho biết, với đặc thù là huyện miền núi, xác định mục tiêu đưa cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng quế. Sau 5 năm triển khai thực hiện dự án trồng cây quế, đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 2.300 ha.

Hiện, một số diện tích được trồng theo dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trong năm 2020, cùng với việc khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng với tổng diện tích 5.700 ha, huyện tiếp tục triển khai trồng mới hơn 1.500 ha rừng bằng nhiều nguồn vốn như: chương trình mục tiêu, ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn khác.

Hướng phát triển đột phá

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Hanh, 54 tuổi, ở xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, với mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi năm, trong đó  thu từ cây quế 300 triệu đồng.

Với mô hình trồng quế, ông Bùi Văn Hanh, xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, Định Hóa là gương nông dân phát triển sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Với mô hình trồng quế, ông Bùi Văn Hanh, xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, Định Hóa là gương nông dân phát triển sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Hanh cho biết, ông vốn quê gốc ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đến năm 1997 mới chuyển đến Định Hóa sinh sống vì bản tính mê cây cối, nhận thấy nghề làm rừng phù hợp và có nhiều triển vọng. Ban đầu ông mua khoảng 3-4 ha, trồng keo, chè và một số loại cây ăn quả, sau mua thềm mỗi năm một chút, đến nay toàn bộ diện tích rừng là 8ha, trong đó hơn 4ha quế.

Theo lời tâm sự của ông Hanh, ông là một trong những người đầu tiên ở Định Hóa xây dựng mô hình kinh tế trang trại, chú trọng trồng rừng. Cách đây 20 năm, ông đã sớm nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây bạch đàn và bồ đề không cao, bên cạnh đó còn làm nghèo đất. Vì vậy, ông đã đi tham quan nhiều mô hình rừng tại các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ… và quyết định trồng quê và trầm hương thay thế. Không chỉ phát triển tốt do hợp thổ nhưỡng, cây quế đã sớm khẳng định hiệu quả kinh tế.

Ông Hanh vui vẻ tính toán, cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc, cây lớn nhanh và có hàm lượng tinh dầu cao. Những cây quế trồng đợt đầu tiên nay có chu vi thân lên tới 30 - 40cm, cây to có thể bóc ngày được 2 - 3 tạ vỏ. Vỏ tươi được thu mua với giá 27  - 28 nghìn đồng/kg. Cành lá tươi phát tỉa cũng bán được 1.500 đồng/kg. Mà lá quế nặng lắm, cành con con cũng được mấy cân.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng quế, ông Hanh khẳng định, bận nhất là 6 năm đầu. Từ năm thứ 7 trở đi bắt đầu có thu nhập ổn định từ tỉa thưa. Sau khoảng 15 năm chăm sóc, 1ha quế cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng, cao gấp vài lần so với trồng keo, mỡ hay bạch đàn. Rừng quế có chu kỳ đến cả trăm năm, cây càng to càng có giá trị. Có thể nói trồng quế là rất bền vững, lâu dài cả về thu nhập và giữ độ che phủ rừng.

Nhằm nâng cao hiệu qủa công tác quản lý, bảo vệ rừng và đưa tiềm năng đất rừng thành thế mạnh kinh tế, phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Định Hóa đang triển khai thực hiện chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gắn với phát triển các cơ sở chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông Bùi Văn Hanh, xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, chuẩn bị quế giống để đem trồng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Bùi Văn Hanh, xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, chuẩn bị quế giống để đem trồng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Năm 2015, UBND huyện đã liên kết với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) thực hiện dự án trồng quế. Phía doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (gồm cây giống, phân bón) và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho người dân đồng thời cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quế để chế biến tinh dầu tại địa phương.

Sau 5 năm triển khai dự án, toàn huyện đã trồng được trên 2.250ha quế, tập trung chủ yếu ở các xã: Quy Kỳ, Linh Thông, Điềm Mặc, Sơn Phú, Bình Thành, Tân Thịnh, Tân Dương, Bảo Cường, Bảo Linh… Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Hiện trên địa bàn Định Hóa bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung nhằm phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại địa phương. Dự án trồng quế được triển khai rộng khắp tại 24/24 xã thị trấn. Để khuyến khích người dân tham gia dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10,6 tỷ đồng hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây quế giống cho người dân.

Theo đánh giá của người dân, ít có loại cây trồng nào ở miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao, lợi ích kinh tế của cây quế đem lại hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác.

Hàng năm, ngành Kiểm lâm đều có cấp cây giống, phân bón cho bà con trên địa bàn, có cán bộ xuống tận xóm thôn hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm cây đạt tỷ lệ sống cao nhất.

Ông Trần Minh Hà cho biết, đồng thời với đẩy mạnh việc thực hiện dự án trồng quế và chế biến các sản phẩm từ quế, huyện cũng đang tập trung vào đề án "cánh rừng mẫu lớn", xây dựng dự án đầu tư và phát triển rừng huyện Định Hóa giai đoạn đến năm 2030, thực hiện việc hỗ trợ 50 thôn bản vùng đệm các khu rừng đặc dụng trên địa bàn phục vụ các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Muốn làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên để lưu giữ lại những giá trị lịch sử, thì người dân xung quanh, sống dựa vào rừng phải được hỗ trợ những chính sách hợp lý để phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất