| Hotline: 0983.970.780

Loài cây chiếm trọn niềm tin của người La Hủ

Thứ Ba 23/05/2023 , 07:15 (GMT+7)

Xã Bum Tở (Mường Tè, Lai Châu) có 99% dân số là người La Hủ, đời sống rất khó khăn. Có mặt chưa lâu, nhưng cây quế đã đưa ấm no hiện diện nơi đây.

Cây quế giúp bà con tiếp cận với sản xuất hàng hóa

Mùa này về Mường Tè (Lai Châu) bạn sẽ thấy màu xanh ngát của núi rừng, ruộng lúa xen lẫn màu xanh của những rừng quế mới trồng, những rừng quế trưởng thành sắp cho thu hoạch vỏ lứa đầu. Một trong những xã có diện tích quế nhiều nhất Mường Tè chính là xã Bum Tở.

Những rừng quế xanh bạt ngàn ở Bum Tở bắt đầu giai đoạn tỉa thưa, tất cả cành, lá đều có thể bán, cho thu nhập rất khá. Ảnh: Hồng Nhung.

Những rừng quế xanh bạt ngàn ở Bum Tở bắt đầu giai đoạn tỉa thưa, tất cả cành, lá đều có thể bán, cho thu nhập rất khá. Ảnh: Hồng Nhung.

Bum Tở là xã vùng cao phía tây của huyện Mường Tè, giáp với thị trấn Mường Tè và các xã Bum Nưa, Pa Vệ Sủ, xã Mường Tè, Nậm Khao, Kan Hồ. Diện tích tự nhiên xã Bum Tở gần 13.400ha, thuộc vùng núi cao có độ cao trung bình khoảng 400m so với mặt nước biển.

Nằm cách trung tâm huyện Mường Tè trên 19km, Bum Tở có hơn 3.470 nhân khẩu, 862 hộ. Ở đây có 100% cư dân là người dân tộc La Hủ, Hà Nhì cư trú, trong đó người La Hủ chiếm 99% dân số. Lâu nay, người dân ở đây trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung tự cấp, lương thực chủ yếu là lúa, ngô, khoai, sắn.

Với đa số dân cư là người La Hủ, việc ổn định cư trú và nâng cao dân trí là nhiệm vụ quan trọng để góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Từ lâu, việc sản xuất trồng trọt chủ yếu của người dân ở đây là các loại cây lương thực ngắn ngày và chăn nuôi theo hộ gia đình, kinh tế chỉ gói gọn trong quy mô hộ, chưa có sản phẩm để bán hay phục vụ khách hàng trên diện rộng.

Cây quế không chỉ bước đầu cho bà con thu nhập khá và ổn định, còn góp phần tăng tỉ lệ che phủ rừng ở Bum Tở. Ảnh: Hồng Nhung.

Cây quế không chỉ bước đầu cho bà con thu nhập khá và ổn định, còn góp phần tăng tỉ lệ che phủ rừng ở Bum Tở. Ảnh: Hồng Nhung.

Cuộc sống và tất cả nguồn thu nhập của bà con ở Bum Tở phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô, cây sắn và lúa nương, rất ít lúa nước. Tổng diện tích lúa nước của cả xã đạt 75ha, riêng lúa 2 vụ có 28ha, lúa nương 100ha, ngô khoảng 80 - 100ha. Bình quân lương thực đầu người là 325kg/năm, sản lượng lương thực của xã đều phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và mùa vụ nên năng suất, sản lượng không ổn định...

Nhận thấy những khó khăn về điều kiện tự nhiên và dân trí, tập quán canh tác của địa phương, chính quyền xã Bum Tở đã nghiên cứu vừa lựa chọn thử nghiệm một số loại cây trồng, trong đó có cây quế. Từ năm 2017, xã Bum Tở bắt đầu đưa cây quế vào trồng thử nghiệm trên diện tích đồi trọc của xã. Bước đầu, ở Bum Tở chỉ có 57 hộ tham gia trồng thử nghiệm cây quế trên diện tích 38ha.

Ấm no đã hiển hiện 

Thấy được hiệu quả từ cây quế nên những năm gần đây, diện tích trồng quế ở Bum Tở liên tục được mở rộng. Đến nay, xã đã có trên 560 hộ dân tham gia trồng quế với diện tích gần 582ha, trong đó diện tích quế đang trong giai đoạn khai thác tỉa là 200ha (từ 5 - 6 năm tuổi), một số hộ đã có diện tích quế khoảng 6 - 7 năm tuổi, chuẩn bị cho thu hoạch vỏ.

Cây quế đang mở ra tương lai xán lạn cho đồng bào La Hủ ở Bum Tở. Ảnh: Hồng Nhung.

Cây quế đang mở ra tương lai xán lạn cho đồng bào La Hủ ở Bum Tở. Ảnh: Hồng Nhung.

Năm 2021, Bum Tở đẩy mạnh việc trồng quế ở tất cả các thôn bản. Diện tích trồng mới năm 2022 là hơn 107ha, đạt 107% kế hoạch huyện giao. Sang đầu năm 2023, xã Bum Tở đang triển khai trồng quế ở tất cả 7 thôn bản.

Ông Vàng Hu Chờ, Chủ tịch UBND xã Bum Tở khẳng định: “Cây quế đang là hướng đi chủ đạo của xã vì phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, không cần độ ẩm cao nên không cần phải tưới nước, không phải mất công chăm sóc thường xuyên, một năm chỉ cần phát dọn thực bì cho rừng quế 2 - 3 lần, bón phân và theo dõi sâu bệnh. Việc trồng quế vừa đem lại thu nhập cho người dân, vừa góp phần tăng độ che phủ rừng của xã”.

Nhắc đến những hộ trồng quế có thu nhập cao, là tấm gương sản xuất giỏi tại địa phương, cán bộ xã Bum Tở giới thiệu cho chúng tôi hộ anh Vàng Giá Chừ và bà Pờ Gia Mé (bản Nậm Xả). Đây là những hộ có diện tích trồng quế lớn nhất với hơn 10ha/hộ.

Diện tích trồng quế ở Bum Tở không ngừng tăng nhanh những năm gần đây nhờ nhiều lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Ảnh: Hồng Nhung.

Diện tích trồng quế ở Bum Tở không ngừng tăng nhanh những năm gần đây nhờ nhiều lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Ảnh: Hồng Nhung.

Anh Vàng Giá Chừ khẳng định, anh tin tưởng vào việc trồng quế sẽ cho thu nhập ổn định, bền vững. Năm 2017 anh mới trồng 6 sào, đến nay diện tích trồng quế của anh đã lên đến 15ha, nhiều nhất xã Bum Tở. Ngoài bản Nậm Xả của anh Chừ, các hộ ở bản Huổi Hang cũng tích cực trồng quế bởi cây quế cho giá trị toàn bộ từ lá, cành, vỏ, thân…

Tuy mới trồng được khoảng 5 - 6 năm nhưng sản phẩm phụ từ cành lá quế để chiết xuất tinh dầu cũng đem lại thu nhập cho các hộ trồng quế. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều hộ đã thu tỉa cành lá, mỗi ha cho 11 tấn lá, cành quế, thu nhập khoảng 12 - 14 triệu đồng/ha.

Việc một số hộ dân có thu nhập ổn định từ cây quế đã làm tăng niềm tin của bà con La Hủ vào loại cây trồng mới này. Họ tích cực học hỏi cách trồng và chăm sóc quế, nhận trồng mới trên diện tích đồi núi bỏ hoang. Hiện tại, những vùng đồi núi có độ cao 400 - 800m trở xuống, những nương đất cũ, đất từng trồng ngô sắn đều được chuyển đổi sang trồng quế.

Cây quế không chỉ mang màu xanh trở lại với núi rừng, mà còn mở ra triển vọng cho thu nhập rất tốt và ổn định cho bà con. Ảnh: Hồng Nhung.

Cây quế không chỉ mang màu xanh trở lại với núi rừng, mà còn mở ra triển vọng cho thu nhập rất tốt và ổn định cho bà con. Ảnh: Hồng Nhung.

Các lớp tập huấn trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khai thác cây quế được mở thường xuyên ở xã, thu hút người dân tham gia. Các hội viên nông dân, phụ nữ rất tích cực tìm hiểu, truyên truyền về loại cây xóa đói giảm nghèo này của địa phương. Người dân hỗ trợ, chi sẻ cho nhau kiến thức trồng, chăm sóc rừng quế và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả.

Ở xã Bum Tở có hơn 87% hộ nghèo nên nguồn thu ổn định từ cây quế thực sự là niềm hi vọng cho bà con. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Bum Tở mới chỉ đạt khoảng 18 triệu đồng/người/năm. Đó là mức thu nhập chưa cao, nhưng đã giúp bà con La Hủ bớt đói nghèo.

Những rừng quế đã phủ xanh phần lớn diện tích đồi núi ở Bum Tở. Ảnh: Hồng Nhung.

Những rừng quế đã phủ xanh phần lớn diện tích đồi núi ở Bum Tở. Ảnh: Hồng Nhung.

Về Bum Tở mùa này, rừng quế đã phủ xanh phần lớn diện tích đồi núi, góp phần tăng tỉ lệ che phủ rừng trên toàn xã. Năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng của Bum Tở đạt trên 55%, đạt hơn 100% kế hoạch năm.

Diện tích đất trồng quế của xã năm 2022 là 103ha, đạt 103% kế hoạch. Trong tháng 5/2023 này, nhiều lớp tập huấn trồng quế đang được tổ chức tại các thôn bản của xã. Với đà phát triển này, cây quế cùng với cây mắc ca, sa nhân, dong riềng... đã và đang góp phần phủ xanh rừng núi Bum Tở và dần đem lại cuộc sống ổn định, ấm no cho bà con nơi đây.

Xem thêm
Nuôi đuông cọ '1 vốn 9 lời'

PHÚ THỌ Vốn chỉ được tìm thấy bên trong thân cây cọ nhưng hiện nay, đuông cọ đã được người dân nhân giống, phát triển thành mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả cao.

Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh trên tôm hùm

KHÁNH HÒA Người nuôi cần tuân thủ điều trị bệnh cho tôm hùm theo đúng phác đồ đã được cơ quan nhà nước công nhận và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

C-Farm hái quả ngọt từ công nghệ tiên tiến

BÌNH DƯƠNG Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cam, quýt và chiến lược thương mại điện tử bài bản, C-Farm đã tạo ra sản phẩm chất lượng và kênh tiêu thụ hiệu quả.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm