Chính phủ đề 6 giải pháp thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu đến 2030. Bình Phước lần đầu tổ chức phiên chợ không dùng tiền mặt. Giá cá lóc, diêu hồng tăng 30 - 35% so với tháng trước. Nông dân Trà Vinh được bao tiêu hơn 800ha dừa
CHÍNH PHỦ ĐỀ 6 GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU ĐẾN 2030
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.Qua đó, hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh và thương hiệu hàng hoá Việt Nam.Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình hành động đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm:• Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; • Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; • Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi, chống gian lận thương mại và hướng tới công bằng; • Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; • Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; • Cuối cùng là nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.Theo chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 -7%/ năm trong thời kỳ 2021 – 2030, trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 tăng 8 – 9%/năm, giai đoạn 2026 – 2030 tăng bình quân 5 -6%.
BÌNH PHƯỚC LẦN ĐẦU TỔ CHỨC PHIÊN CHỢ KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
Nhằm thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 26/11, Sở Công thương tỉnh Bình Phước tổ chức phiên chợ không dùng tiền mặt tại thành phố Đồng Xoài.Phiên chợ có 30 gian hàng tới từ các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nông sản, thực phẩm chế biến, dịch vụ tài chính và ngân hàng. Tại sự kiện này, người tiêu dùng được hướng dẫn, trải nghiệm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán bằng mã QR, ví điện tử, và đều được giảm giá trực tiếp từ 5%-40% trên sản phẩm hoặc quà tặng đi kèm khi mua hàng hóa. Phiên chợ hướng đến việc thúc đẩy chuyển đổi số bằng trải nghiệm những hình thức thanh toán hiện đại. Đồng thời góp phần tăng cường hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
GIÁ CÁ LÓC, DIÊU HỒNG TĂNG 30 - 35% SO VỚI THÁNG TRƯỚC
Theo cac hộ chuyên nuôi cá lóc ở Trà Vinh, từ cuối tháng 10 đến nay, giá cá lóc thương phẩm liên tục tăng nhanh. Hiện, thương lái đang thu mua cá lóc tại ao với mức giá 40.000-42.000 đồng/kg, tăng 13.000-15.000 đồng/kg, khoảng 35% so với tháng trước. Với mức giá này, người nuôi có lời khoảng 8.000-10.000 đồng một kg.Tương tự, giá cá điêu hồng và cá nàng hai cũng đồng loạt tăng 30%, lên lần lượt 38.000 đồng và 100.000 đồng một kg.Lý giải nguyên nhân giá cá tăng mạnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho rằng, nhu cầu sản xuất chế biến sản phẩm cá đặc sản dịp Tết Nguyên đán tăng cao khiến nguồn cung thiếu hụt. Trong khi sản lượng nuôi vào chu kỳ thu hoạch giảm 50-60% nên đã đẩy giá cá tăng nhanh.
NÔNG DÂN TRÀ VINH ĐƯỢC BAO TIÊU HƠN 800HA DỪA
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, có 2 doanh nghiệp vừa ký kết thu mua dừa tươi và mật hoa dừa cho nông dân trong tỉnh.Trong đó, Công ty Chế biến nông sản Thuận Phong, tại Bến Tre ký kết với HTX Nông nghiệp Xuân Thành và một công ty thu mua dừa trái khoảng 812 ha ở xã Lương Hòa và Song Lộc ở huyện Châu Thành.Công ty Trà Vinh Farm ký liên kết thu mua với Tổ hợp tác mật hoa dừa xã Phú Cần tại huyện Tiểu Cần với diện tích 20 ha. Trái dừa khô được công ty thu mua cao hơn giá thị trường từ 10% - 15%; còn mật hoa dừa được thu và cân tại công ty với giá từ 9.000 - 15.000 đồng/kg.