Chuyển đổi số trong nông nghiệp không thể theo phong trào. Cấp bằng bảo hộ cho hai giống nho mới. Phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái là xu hướng tất yếu. Cả nước có gần 600 nghìn ha rừng có chứng chỉ bền vững.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP KHÔNG THỂ THEO PHONG TRÀO
Tiến Thành sản xuất
Hôm nay, 27/11, tại TP Hạ Long, Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu giới thiệu các giải pháp công nghệ như ứng dụng công nghệ ánh sáng và điều khiển IoT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số trong cung ứng và tiêu thụ nông sản, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, chuyển đổi số trong nông nghiệp không thể theo phong trào.
Chuyển đổi số là một hành trình dài hạn, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động, và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
Tin 2
CẤP BẰNG BẢO HỘ CHO HAI GIỐNG NHO MỚI
Phương Chi - Quỳnh Anh
Hai giống nho ăn tươi NH01-152 và NH04-102 của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố vừa được Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Bằng bảo hộ có hiệu lực trong thời gian 25 năm.
Giống nho ăn tươi NH01-152 đã được công nhận sản xuất thử từ năm 2019, giống nho này có phổ thích ứng khá rộng, thời tiết nắng nóng nhưng cây vẫn đậu quả tỷ lệ cao, khả năng kháng sâu bệnh khá tốt. Tùy theo chế độ canh tác, giống nho NH01-152 cho năng suất bình quân 12 - 16 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 18 - 20 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm. Đây là giống nho có nhiều ưu điểm vượt trội, chất lượng quả tương đương với sản phẩm nho cùng loại từ nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Giống nho NH04-102 cũng cho thấy nhiều ưu điểm như sinh trưởng khỏe, cây dễ ra hoa đậu quả, tính chống chịu sâu bệnh khá, từ lúc trồng đến khi thu hoạch lứa quả đầu tiên từ 8 - 10 tháng, thời gian sinh trưởng từ lúc cắt cành đến khi thu hoạch quả chín khoảng 115 - 130 ngày (tùy từng vụ).
Tin 3
PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, DU LỊCH SINH THÁI LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU
NGUYỄN THỦY
Chia sẻ tại buổi đối thoại với nông dân ngày hôm nay 27/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, trong xu thế phát triển hiện nay, người dân ngày càng có nhu cầu nghỉ dưỡng, hưởng thụ ở thành phố mới, thành phố đẹp nhưng vẫn giữ được hồn quê, những nét riêng độc đáo của nông thôn, vẫn có không gian rộng lớn để người dân, du khách tận hưởng, tái tạo sức lao động. Vì vậy, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, sinh thái là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới.
Để người nông dân không đơn độc, lãnh đạo TP.HCM cho rằng, cần có sự chung tay của "5 nhà" gồm Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà nghiên cứu để vực dậy nền du lịch nông nghiệp cho TP.HCM trong tương lai. Mỗi cơ quan, mỗi nhà cùng chung tay góp sức, tạo điều kiện cho nông dân thành phố phát triển, cho ngành nông nghiệp thành phố, ngành nông nghiệp du lịch, du lịch sinh thái phát triển bền vững, có trách nhiệm.
Tin 4
CẢ NƯỚC CÓ GẦN 600 NGHÌN HA RỪNG CÓ CHỨNG CHỈ BỀN VỮNG
Quỳnh Anh
Tính đến hết tháng 10/2024, cả nước hiện có khoảng gần 600 nghìn ha chứng chỉ rừng bền vững FSC, PEFC/VFCS. Đáng chú ý, trong số này, diện tích rừng do hộ gia đình, cá nhân được cấp theo hình thức chứng chỉ nhóm là: 300.816ha, chiếm 50%. Trong đó, hình thức liên kết với doanh nghiệp chế biến gỗ đứng ra làm đại diện nhóm và thu mua gỗ có chứng chỉ là chủ yếu, khoảng 220.000ha (chiếm 73,3%); các diện tích còn lại là cấp chứng chỉ nhóm theo hình thức hội chủ rừng và hợp tác xã.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng mô hình liên kết chủ rừng quy mô nhỏ liên kết với doanh nghiệp chế biến gỗ trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ cho nhóm hộ gia đình trồng rừng là rất cần thiết, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, thúc đẩy phát triển hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.