Kiên quyết không để thiệt hại về người do bão. Còn khoảng cách chênh lệch lớn xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền. Không đầu tư xứng tầm cho bảo tồn, nguồn lợi biển tiếp tục bị xâm hại. Sống bất an dưới chân trụ điện gió.
KIÊN QUYẾT KHÔNG ĐỂ THIỆT HẠI VỀ NGƯỜI DO BÃO TALIM
Phát biểu chỉ đạo ứng phó cơn bão số 1, còn gọi là bão TALIM, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: “Điều chắc chắn nhất bây giờ là không có gì chắc chắn”, và mọi việc hoàn toàn có thể diễn biến không theo đúng như dự báo. Do đó, tất cả các địa phương, Bộ, ngành… cần phải lấy Công điện số 646 ngày 16/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ làm kim chỉ nam cho hoạt động phòng, chống bão số 1. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đã quán triệt các địa phương và các Bộ, ngành không chủ quan, lơ là; chuẩn bị chu đáo, chủ động linh hoạt ứng xử với từng việc cụ thể. Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về tài sản. Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh - Thái Bình vào chiều tối ngày 18/7. Nguy cơ cao ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển. Mưa lớn xảy ra từ đêm 17/7 đến ngày 20/7 tại khu vực Bắc bộ từ Nghệ An trở ra.
Còn khoảng cách chênh lệch lớn xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền
Tính đến nay, cả nước có hơn 6.000 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu, hơn 260 huyện được công nhận chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Điển hình như khu vực miền núi phía Bắc chỉ có 47,7% số xã đạt nông thôn mới. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập... Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Đồng thời xây dựng các vùng nông thôn giữ đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, kéo giảm chênh lệch trong xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền, địa phương; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị…
Không tư xứng tầm cho bảo tồn, nguồn lợi biển tiếp tục bị xâm hại
Phát biểu tại cuộc họp về Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Sáng 17/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, công tác bảo tồn biển đang gặp nhiều khó khăn nên cần phải giải quyết ngay, nếu không kịp thời có những biện pháp, cơ chế, chính sách và đầu tư xứng tầm để bảo vệ các khu bảo tồn biển thì nguồn lợi biển sẽ tiếp tục bị xâm hại, đối mặt với nguy cơ cạn kiệt; hệ sinh thái biển, môi trường biển cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được 11 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển được quy hoạch, và các vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam. Tuy nhiên chưa chú trọng đến bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; thậm chí một số vùng biển còn bị xâm hại đến mức báo động…
SỐNG BẤT AN DƯỚI CHÂN TRỤ ĐIỆN GIÓ
Mặc dù dự án điện gió Ia Pếch và Ia Pếch 2 (do Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng Điện Xanh Gia Lai làm chủ đầu tư) đã hoàn thành từ năm 2021 nhưng đến nay hàng chục hộ dân làng O Gia (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vẫn chưa nhận được hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân có đất sản xuất nằm trong khu vực hành lang an toàn trụ điện gió mặc dù biết rằng rất nguy hiểm. Không còn cách nào khác, các hộ dân vẫn phải liều mình sản xuất dưới khu vườn ngay dưới chân trụ điện gió. Ông Ngô Khôn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Pếch cho biết, trong rất nhiều cuộc họp xã đã kiến nghị về việc chủ đầu tư thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường đất cho người dân. Được biết, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các hộ dân nằm trong khu vực hành lang an toàn trụ điện gió cũng chưa được hỗ trợ, bồi thường. Theo kết quả báo cáo của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai mới đây, có 285 hộ dân tại các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Pưh có đất sinh hoạt và sản xuất nằm trong khu vực hành lang an toàn trụ điện gió.