Đảng bộ Bộ NN-PTNT nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Việt Nam thu 1.250 tỷ đồng từ bán tín chỉ các-bon. Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Bình. Các nước tăng mua sầu riêng Việt Nam.
ĐẢNG BỘ BỘ NN-PTNT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT
Hùng Khang sản xuất
Chiều 28/12, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Đỗ Việt Hà - Phó Bí thư Đảng ủy các cơ quan Trung ương nhấn mạnh, với tinh thần đoàn kết kỷ cương năm 2023 Đảng bộ Bộ NN và PTNT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp và sự phát triển chung của toàn ngành.
Với gần 4.000 đảng viên đang sinh hoạt, Đảng bộ Bộ NN và PTNN đã bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT, căn cứ theo tình hình thực tế, Đảng ủy Bộ đã ban hành Chương trình làm việc, Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023.
Bên cạnh đó, đơn vị đã thực hiện tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ năm 2023 theo đúng quy định. tín chỉ các bon. tín chỉ các bon
VIỆT NAM THU 1.250 TỶ ĐỒNG TỪ BÁN TÍN CHỈ CÁC-BON
Quang Linh khai thác
Theo thông tin mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam vừa chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới, thu về gần 1.250 tỷ đồng. tín chỉ các bon
Theo đó, số tín chỉ carbon thu được từ rừng thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề này.
KẾT NỐI SẢN XUẤT, TIÊU THỤ SẢN PHẨM OCOP QUẢNG BÌNH
Tâm Phùng- Tâm Đức sản xuất
Nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh về sản phẩm nông sản, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương, Sở Công Thương Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Bình năm 2023.
Đến nay, Quảng Bình có 145 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên và 150 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Tại hội nghị, các đơn vị, doanh nghiệp đã tìm hiểu, khai thác các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình để kí kết biên bản ghi nhớ tiến tới kí kết hợp đồng giao thương tiêu thụ và phân phối sản phẩm.
CÁC NƯỚC TĂNG MUA SẦU RIÊNG VIỆT NAM
Quang Linh khai thác
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy 11 tháng, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đi các thị trường đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó sầu riêng tươi đạt 2 tỷ USD, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ 2022.
Dẫn đầu top thị trường mua sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch 1,97 tỷ USD, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Kế tiếp là Czech chi 9,7 triệu USD mua sầu riêng Việt, tăng 28 lần - mức tăng trưởng mạnh nhất trong các quốc gia mua loại trái cây này.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá sầu riêng tươi Việt Nam tốt hơn so với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Phillippines trong khi chất lượng ổn định nên được nhiều quốc gia tăng chi tiền để mua.