ĐBSCL cần định hình tư duy làm nông nghiệp mới. Hỗ trợ 40% kinh phí mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Nhiều vạt rừng tự nhiên bị cháy tại Đắk Nông. Giá dâu tây ở Sơn La rớt thảm.
ĐBSCL cần định hình tư duy làm nông nghiệp mới
- Văn Vũ
Chiều 7/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội thảo tham vấn Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.Đây là lần đầu tiên 12 tỉnh thành vùng ĐBSCL được tiếp cận đề án mang tính bao trùm toàn vùng liên quan đến ngành hàng lúa gạo gắn với kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, đề án là kỳ vọng lớn của Bộ NN-PTNT, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân trồng lúa ở ĐBSCL.Bên cạnh đó, đề án không chỉ dừng ở cấu trúc lại vùng chuyên canh lúa gạo chất lượng cao căn cứ theo nhu cầu của thị trường, mà định hình tư duy làm nông nghiệp mới, cấu trúc nông nghiệp, nông dân, một tam giác phát triển từ nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn cần cẩn trọng và chắt lọc các ý kiến đóng góp từ các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, HTX và nông dân.
HỖ TRỢ 40% KINH PHÍ THỰC HIỆN MÔ HÌNH NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO
- Minh Sáng
Nhằm hạn chế tình trạng sử dụng thuốc, chất hóa học không an toàn trong nuôi tôm, nhiều hộ nuôi tôm đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, chi phí chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng một ha, nên việc nhân rộng vẫn còn khó khăn. Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, thời gian tới Trung tâm sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về chính sách khuyến nông, những dự án liên quan trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đối với nuôi tôm nước lợ, tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Cùng với đó, hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình đối với tất cả các địa bàn, giúp nông dân TP.HCM phát triển kinh tế và làm giàu từ nuôi tôm.
KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC CHỮA CHÁY RỪNG PHÒNG HỘ TẠI ĐẮK NÔNG
(Hồng Thủy - Lê Bình)
Nhiều vạt rừng thuộc rừng phòng hộ Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông đã bị cháy sau khi ngành chức năng tỉnh này tiến hành truy quét, xử lý mạnh tay một số đối tượng lấn, chiếm đất rừng phòng hộ. Đáng chú ý, nhiều tuyến đường nội bộ cũng bị rải đinh, có dấu hiệu ngăn cản xe của lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng. Rừng bị cháy chủ yếu là rừng tự nhiên và nhiều đám cháy ở các vị trí liền kề với rừng trồng, chủ yếu là cây sao đen khoảng 2-3 năm tuổi. Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ha tập trung tối đa nhân lực, vật lực chữa cháy. Do khu vực cháy ở xa dân cư, địa hình đồi dốc lại đang cao điểm mùa khô hạn nên việc dập lửa chỉ trông cậy vào việc phát dọn thực bì, cô lập đám cháy.Theo thống kê bước đầu cho thấy, có hơn 800 hộ dân, chủ yếu là dân di cư không theo quy hoạch đang sinh sống, cư trú trái phép trên lâm phần được giao cho đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh.
NÔNG DÂN KẾT THÚC VỤ DÂU SỚM HƠN DỰ KIẾN
Dâu tây Sơn La đang vào cuối vụ, sản lượng giảm, thời tiết khắc nghiệt khiến dâu dễ bị hỏng; cùng với đó, sau khi có một số thông tin về lẫn lộn dâu Sơn La và dâu Trung Quốc, một bộ phận người tiêu dùng không biết đã ngừng sử dụng một thời gian, làm ảnh hưởng đến bà con trồng dâu; thậm chí còn bán rất là ế.Giá bán dâu tây hiện dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/kg; trong khi thời điểm đầu vụ và chính vụ giá ổn định khoảng 200.000 đồng/kg. Chi phí lớn, giá thành giảm sâu khiến một số hộ trồng dâu quyết định kết thúc vụ dâu sớm hơn dự kiến.