| Hotline: 0983.970.780

'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' để phòng chống cháy rừng

Thứ Sáu 07/04/2023 , 15:24 (GMT+7)

SƠN LA Để phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2023, Quỳnh Nhai (Sơn La) đã thực hiện phương châm 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để đôn đốc công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Quỳnh Nhai là một trong các huyện có diện tích rừng lớn của Sơn La với diện tích rừng trên 51 nghìn ha, đời sống của người dân gắn liền với rừng. Thời gian qua, ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác phát triển, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.

Mường Chiên là một trong những xã tiêu biểu của huyện Quỳnh Nhai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, xã đã có hơn 5.000ha rừng, trong đó hơn 4.600ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã đạt 61,5%.

Người dân bản Quyền xã Mường Chiên phát đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng mùa khô hanh

Người dân bản Quyền (xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai) phát đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng mùa khô hanh. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Bước vào mùa khô hanh năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường xuống bản, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tổ chức lồng ghép các cuộc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và ký cam kết về quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng (PCCR). Kiểm lâm huyện cũng phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Ông Hà Trọng Tài, kiểm lâm địa bàn xã Mường Chiên cho biết, hàng tháng đều phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức xuống bản quán triệt với bà con, cùng bà con đi kiểm tra tuần tra rừng, phát đường băng cản lửa, tuần tra các khu vực quản lý và không để vụ cháy rừng nào xả ra trên địa bàn.

Bản Quyền (xã Mường Chiên) hiện có 190 hộ dân và 01 tổ bảo vệ phát triển rừng với 23 thành viên đang nhận và bảo vệ khoảng 2.000ha. Ban quản lý bản đã giao rừng cho các nhóm liên gia tự quản, đưa nội dung bảo vệ rừng vào quy ước của bản. Hàng năm, từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản trích một phần kinh phí để mua dụng cụ cho tổ bảo vệ rừng và tu sửa, làm mới các biển cảnh báo tại các khu vực có rừng; sửa chữa, xây dựng các công trình công cộng của bản.

Huyện Quỳnh Nhai tăng cường các biển cảnh báo bảo vệ rừng đầu nguồn

Huyện Quỳnh Nhai tăng cường các biển cảnh báo bảo vệ rừng đầu nguồn. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Anh Điêu Chính Quy, người dân bản Quyền cho biết: Người dân trong bản luôn thực hiện tốt nghị quyết của bản. Hàng tháng, hàng quý, tổ đội bảo vệ phát triển rừng thường xuyên đi tuần tra những khu vực có nguy cơ cháy rừng. Từ khi có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản đã họp dân xin ý kiến trích một phần kinh phí xã hội hóa sửa nhà văn hóa, đường giao thông, mương phai và lắp camera an ninh bản…

Hiện đang bước vào mùa hanh khô năm 2023, xã Mường Chiên đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; duy trì 3 tổ bảo vệ và PCCCR với hơn 90 người tham gia. Đồng thời tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, bảo đảm an toàn về PCCCR với các hộ dân; giao diện tích đất rừng cho các bản quản lý và vận động bà con tham gia trồng rừng.

Bên cạnh đó rà soát, chuẩn bị phương tiện, lực lượng và dụng cụ sẵn sàng chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm của mùa hanh khô. Phối hợp với kiểm lâm phụ trách địa bàn và kiểm lâm các xã giáp ranh thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Hạt Kiểm Lâm huyện Quỳnh Nhai hướng dẫn người dân phát dọn thực bì

Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai hướng dẫn người dân phát dọn thực bì. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Không chỉ xã Mường Chiên, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai tình trạng phá rừng, cháy rừng và đốt nương làm rẫy đã giảm đáng kể. Cùng với việc chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gắn trách nhiệm của các chủ rừng và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đang tích cực tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát UBND các xã, chủ rừng thực hiện nghiêm túc quy định về PCCCR... Sẵn sàng lực lượng, phương tiện chi viện chữa cháy rừng khi được huy động.

Hội nghị tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phòng chống cháy rừng cho người dân.

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, phòng chống cháy rừng cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thiệu.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, huyện Quỳnh Nhai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân gắn bó và bám rừng. Phấn đấu tăng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 50,9% năm 2022 lên 51,6% vào năm 2025...

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm