Nhờ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình chăn nuôi dê, bò giúp hàng chục hộ dân ở huyện Châu Thành A giảm nghèo.
Dê, bò 'tiễn' hàng chục hộ nghèo ở Châu Thành A
Đây là mô hình nuôi dê của chị Võ Thị Thắm ở xã Thạnh xuân, huyện Châu Thành A, với 3 con dê ban đầu được hỗ trợ từ “dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, đến nay tổng đàn dê của của gia đình chị Thắm đã được 32 con. Chị thắm chia sẻ, trước đây gia đình rất khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê nên công việc không ổn định, từ khi chuyển qua mô hình nuôi dê từ sự hỗ trợ của dự án đã giúp gia đình có được công việc ổn định. Ngoài ra, nuôi dê chỉ cho ăn cỏ và các loại trái cây bỏ đi nên chi phí rất thấp và nhẹ công chăm sóc nên có thể làm thêm nhiều việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Phát biểu Chị VÕ THỊ THẮM – Xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang: “Nuôi dê chỉ bỏ công thôi không có tốn thức ăn chỉ bỏ công đi cắt cỏ, chủ yếu là ăn cỏ với rau. Mình đi cắt nhiều dự trữ rồi dư thời gian ra để làm các việc khác”.
Xã Thạnh Xuân là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành A triển khai mô hình hỗ trợ nuôi dê thương phẩm dành cho hộ nghèo. Có 12 hộ nghèo được hỗ trợ 36 con dê, kinh phí 420 triệu đồng. Kết quả đến cuối năm 2022, từ 36 con dê giống hỗ trợ ban đầu đến nay, đàn dê đã cho sinh sản được 81 con dê con, nhờ vậy các hộ thực hiện mô hình bước đầu đem lại hiệu quả.
Phát biểu Ông ĐÀO VĂN CHÍNH – Xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang: “Nhờ Hội Nông dân của huyện Châu Thành A cho vay một số vốn để làm chuồng, trại và mua dê giống, nhờ đồng vốn từ quỹ hỗ trợ nên đạt được hiệu quả sản xuất”
Phát biểu Ông PHẠM QUỐC VIỆT – Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang: “Mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và khó khăn. Khi chọn mô hình chúng tôi xác định đây là chương trình mang tính phúc lợi cho người dân rất lớn vì được hỗ trợ từ chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021-2025”.
Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đến nay trên địa bàn huyện Châu Thành A đã xây dựng được 8 dự án nuôi dê thương phẩm, 1 dự án nuôi bò, với 73 hộ dân tham gia gồm; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có chủ hộ là nữ, hộ đồng bào dân tộc thiểu và người khuyết tật.
Ông LƯƠNG HÙNG KHANH- Xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang: “Chương trình tỉnh đưa ra mình thấy nuôi bò rất kinh tế, ai cũng là được bởi nguồn thức ăn ở địa phương rất dồi dào, mình ra cắt vài bó cỏ là đủ cho bò ăn à”
Phát biểu Ông LÊ HOÀNG NHÂN – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang: “Đối với địa phương thì thấy mô hình này rất hay, phù hợp với điều kiện địa bàn huyện, rất mong thời gian tới được cấp trên tiếp tục hỗ trợ kinh phí giai đoạn 2024-2025, để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc giảm nghèo bền vững”
Qua thời gian thực hiện dự án đã đem lại hiệu quả tích cực góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Một số hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, người dân còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan trải nghiệm thực tế các mô hình hiện có. Mô hình chăn nuôi còn tác động tích cực đến nhận thức của người dân, làm quen với hình thức tập thể, tổ hợp tác, gắn kết người dân cùng chung sản xuất., thay đổi tập quán và phương thức sản xuất. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi bền vững.