De Heus khánh thành nhà máy thức ăn thủy sản 18,6 triệu USD. Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam diễn ra vào tháng 11. Vinh danh những tấm gương vì sự phát triển dược liệu Việt Nam. Sạt lở núi gây ách tắc đường Hồ Chí Minh.
DE HEUS KHÁNH THÀNH NHÀ MÁY THỨC ĂN THỦY SẢN 18,6 TRIỆU USD
Lê Hoàng Vũ - Sản xuất
Ngày 26/9, De Heus Việt Nam chính thức khánh thành nhà máy thức ăn thủy sản mới tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ. Đây là nhà máy thứ 10 của De Heus tại Việt Nam và là nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất thức ăn cho cá tra – cá basa, có công suất thiết kế 240.000 tấn/năm với dây chuyền công nghệ hiện đại từ châu Âu và Mỹ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo các chứng nhận ISO 22000, BAP và GLOBAL G.A.P… Tổng vốn đầu tư của dự án là 18,6 triệu USD.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thuỷ sản chiếm phần lớn chi phí trong nuôi trồng thuỷ sản thâm canh, trong đó chi phí thức ăn thuỷ sản chiếm khoảng 64%. Vì vậy, việc quản lý chất lượng và giá thành thức ăn thuỷ sản luôn được quan tâm trong xây dựng chính sách và trong thực tiễn thực hiện. Hiện, nguyên liệu tự sản xuất được trong nước chỉ cung ứng khoảng 35%, còn 65% nhập khẩu.
Do đó, Bộ NN-PTNT rất hoan nghênh các doanh nghiệp có uy tín như De Heus áp dụng công nghệ mới để tăng giá trị dinh dưỡng, thay thế nguyên liệu đắt tiền trong sản xuất thức ăn thuỷ sản, đưa ra các sản phẩm chất lượng cao với giá thành phù hợp.
FESTIVAL BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VIỆT NAM DIỄN RA VÀO THÁNG 11
Trung Quân - Hoài Thơ - Sản xuất
Ngày 26/9, Bộ NN-PTNN phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Sự kiện chính “Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023” sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12/11, tại Hoàng thành Thăng Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì tổ chức các sự kiện như: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi với khoảng 100 đại biểu; Lễ khai mạc Festival; đêm biểu diễn chương trình nghệ thuật của các làng nghề; Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Festival được tổ chức nhằm bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam. Trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa đến các địa phương khác. Đây cũng là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; xây dựng và hình thành các tour, điểm du lịch làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội. Đồng thời, kết nối giữa doanh nghiệp với làng nghề để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm…
VINH DANH NHỮNG TẤM GƯƠNG VÌ SỰ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU VIỆT NAM
Duy Học - Sản xuất
Chiều 26/9, Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền, Bộ Y tế phối hợp với Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức công bố Chương trình Vinh danh vì sự phát triển Dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đại diện bộ y tế, chương trình sẽ tổ chức chính thức vào đầu tháng 12 tới nhằm vinh danh các cá thể, tổ chức doanh nghiệp có thành tích trong việc nuôi trồng, bảo tồn, hình thành chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, vận dụng và phát triển các bài thuốc cổ truyền, điều trị và nâng cao sức khoẻ. Từ đó, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
SẠT LỞ NÚI GÂY ÁCH TẮC ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Tâm Phùng - Sản xuất
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã gây ra tình trạng sạt lở núi trên các tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 15…đoạn qua tỉnh Quảng Bình làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Ghi nhận vào thời điểm sáng nay, đoạn Km 114 + 300 đường Hồ Chí Minh đã có nhiều đất đá từ sườn núi sạt lở xuống đường. Trong đó có một khối đá lớn với chiều dài trên 4 mét và ước nặng khoảng 50 tấn nằm ngay trên mặt đường khiến việc lưu thông qua đoạn đường này bị tê liệt.
Bên cạnh đó, mưa lớn kéo dài cũng khiến mực nước trên các con sông Gianh, sông Đại Giang, sông Kiến Giang…lên nhanh gây ngập lụt cục bộ. Hiện, toàn tỉnh đã có 22 thôn bản bị chia cắt. Trong đó huyện miền núi Minh Hóa có 14 thôn bản, huyện Quảng Ninh có 4 bản và huyện Bố Trạch có 4 bản.